Căn bệnh nghệ sĩ Anh Tú mắc biến chứng nguy hiểm thế nào?

Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú – Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam vừa qua đời do biến chứng bệnh đái tháo đường. Nghệ sĩ Anh Tú bị biến chứng của đái tháo đường phải nhập viện từ đầu tháng 10/2018.

7 giây một người chết

Theo TS.BS Nguyễn Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh biến chứng nặng do đái tháo đường như biến chứng bàn chân, biến chứng tim mạch, biến chứng xương khớp.

Các bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2 thường kèm theo các bệnh lý đi kèm và điều trị các bệnh song song càng dễ gây ra biến chứng nhất là sử dụng thuốc tự ý như hiện nay còn phổ biến.

TS Toàn cho biết bệnh đái tháo đường được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi vì đây là căn bệnh mà có thể không gây ra những cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác nhưng nó lại âm thầm tiến triển và cuối cùng dẫn tới tử vong.

Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017, cứ 11 người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) có 1 người bị đái tháo đường (425 triệu người), trong đó 50% không được chẩn đoán và điều trị (trên 212 triệu người), cứ 7 giây có một người tử vong do đái tháo đường và biến chứng.

Nghệ sĩ Anh Tú bị biến chứng của đái tháo đường phải nhập viện - Ảnh minh họa: Internet

Nghệ sĩ Anh Tú bị biến chứng của đái tháo đường phải nhập viện - Ảnh minh họa: Internet

Thế giới phải chi 12% ngân sách (727 tỷ USD) cho bệnh Đái tháo đường. Khoảng 1/6 số trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường thai kỳ. Có 79% số người mắc đái tháo đường đang sinh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Ước tính tới năm 2045, có 1/10 người trưởng thành sẽ bị đái tháo đường (629 triệu người) và chi phí y tế liên quan đến đái tháo đường sẽ vượt quá 776 tỷ USD.

Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Các nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4%. Ướ́c tính hiện tại Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh.

Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này cũng rất lớn. Đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Còn theo BS.CKII Trần Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, ngày càng có nhiều trường hợp biến chứng do đái tháo đường, trong đó phổ biến và rất hay gặp là các biến chứng liên quan đến bệnh lý tim mạch.

Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Oanh lo ngại trước thực tế, một nửa số người bị bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán, rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bị bệnh trong thời gian dài mà không biết mình bị bệnh, khi được chẩn đoán bệnh thì đã có nhiều biến chứng.

Các biến chứng như tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi… phố biến nhất. Theo số liệu gần đây nhất, có tới khoảng 70% các trường hợp ở bệnh nhân đái tháo đường tử vong đều liên quan đến tim mạch.

Nguyên nhân gây đái tháo đường, theo bác sĩ Kim Oanh chia sẻ nếu ngày xưa người dân thường vận động thể lực nhiều, ra đồng làm ruộng, hoạt động trong các nhà máy, đi lại bằng xe đạp, đi bộ… thì giờ đây trong môi trường hiện đại, con người dần dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ô tô, xe máy, đi bộ 1-2 tầng nhưng cũng đi thang máy.

Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát là nguyên chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc đái tháo đường tuýp 2. Chính vì vậy, khi điều trị bệnh đái tháo đường bệnh nhân không bao giờ được bỏ quên tác động vào các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, ít vận động.

Kiểm soát đường máu

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Nguyên bác sĩ nội tiết của Bệnh viện Bạch Mai cho biết biến chứng biến chứng cấp tính gồm hôn mê nhiễm toan ceton, hạ glucose máu, hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan Lactic, các bệnh nhiễm trùng cấp.

Đặc biệt biến chứng hôn mê nhiễm toan-ceton là một biến chứng nguy hiểm tức thời đến tính mạng người bệnh, nguyên nhân là do thiếu insulin đã gây ra những rối loạn nặng nề trong chuyển hóa protein; lipid và carbonhydrate. Đây là một cấp cứu nội khoa cần phải được theo dõi tại các khoa điều trị tích cực.

Bác sĩ Cường cho biết phòng biến chứng ở bệnh tiểu đường cách tốt nhất là kiểm soát tốt đường máu, đây là vấn đề mấu chốt trong suốt quá trình điều trị. Kiểm soát tốt đường máu không những làm ngăn chặn sự xuất hiện mà còn ngăn chặn cả quá trình diễn biến của biến chứng thận. Cần thử đường máu hàng ngày và chỉ số HbA1c 3 tháng/lần để điều chỉnh thuốc phù hợp.

Điều trị tăng huyết áp là hết sức cần thiết để làm giảm các biến chứng thận, cần duy trì huyết áp ở mức dưới 120/75 mmHg (dùng thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm Ức chế men chuyển dạng angiotensin hoặc Ức chế thụ thể của angiotensin).

Kiểm tra protein niệu, urê và creatinin máu thường quy và đặc biệt là xét nghiệm microalbumin niệu hàng năm để phát hiện sớm biến chứng thận.

Bảo Lâm

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/can-benh-nghe-si-anh-tu-mac-bien-chung-nguy-hiem-the-nao-c9a305805.html