Căn bệnh tim mạch nào nguy hiểm nhất ?

Nhồi máu cơ tim là bệnh tim mạch nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời đặc biệt bệnh đang trẻ hóa.

Ảnh minh họa.

Trường hợp của anh Nguyễn V. T. 42 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Long Biên, Hà Nội vừa thoát khỏi án tử vì nhồi máu cơ tim. Anh T. may mắn vào viện kịp thời và được cấp cứu tích cực.

Theo người nhà công việc áp lực cộng thêm với bị mỡ máu nhiều năm nhưng vì công việc phải giao tiếp nên anh T. không tránh khỏi những bữa nhậu nhẹt. Trong một buổi đi làm về, cả gia đình đang ngồi xem ti vi bỗng dưng anh T. kêu đau nhói ở ngực và gục ngã. Vợ anh vội vàng gọi xe cấp cứu đưa vào viện.

Không may mắn như trường hợp của anh T, anh Bùi Thế Tr. 36 tuổi, Mễ Trì, Hà Nội bị một cơn nhồi máu cơ tim và qua đời ngay ở nhà khi xe cấp cứu đến thì anh đã tắt thở. Anh được đưa vào Bệnh viện 198 cấp cứu và được nghi ngờ tử vong bị nhồi máu cơ tim cấp. Vợ anh Tr. cho biết trước đó 1, 2 ngày anh Tr thường xuyên kêu tức ngực, thậm chí đi lại mạnh anh cũng đau ở ngực trái nhưng bận chưa kịp đến bệnh viện khám thì đã bị nhồi máu cơ tim.

Theo Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, nhồi máu cơ tim là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Mỗi năm có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim tại các bệnh viện trên toàn quốc và bệnh nhân đang trẻ hóa.

Theo GS Khải, nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ.

Những người dễ mắc nhồi máu cơ tim đó là nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.

Giáo sư Khải cho biết ngoài ra còn người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
Người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.

Một số trường hợp bệnh nhân bị đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.

Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.

Khi có dấu hiệu đau tức ngực, GS Khải khuyến cáo người bệnh cần vào viện ngay để được thăm khám. Các bác sĩ sẽ tiến hành điện tâm đồ: điện tâm đồ có thể giúp phát hiện được có nhồi máu hay không, có thể xác định vùng tổn thương, nhịp tim bất thường.

Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu giúp cho chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim. Một số xét nghiệm máu giúp cho tiên lượng được nhồi máu cơ tim.

Chụp động mạch vành: chụp động mạch vành giúp chẩn đoán xác định nhồi máu cơ tim hay không. Nó cũng giúp cho can thiệp động mạch vành bằng cách đặt stent vào chỗ tắc động mạch vành.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/can-benh-tim-mach-nao-nguy-hiem-nhat-post284604.info