Cán bộ, công chức đi lễ trong giờ hành chính: Xử nghiêm để nâng kỷ luật công vụ

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công chức, viên chức không đi lễ trong giờ hành chính, không dùng xe công đi lễ hội, nhưng vừa qua, Bộ Tài chính đã phải chỉ đạo xử lý một số cán bộ vi phạm quy định này sau khi bị báo chí phát hiện. Dù chỉ là cá biệt, nhưng việc xử lý kịp thời, nghiêm khắc những cán bộ, công chức có hành vi vi phạm để làm gương, nhận được nhiều sự đồng tình, góp phần nâng cao kỷ luật công vụ.

Đi ngược chỉ đạo

Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới Mậu Tuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết, trong đó yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trong buổi giao ban đầu năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng một lần nữa yêu cầu các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc sản xuất kinh doanh, đảm bảo hoạt động bình thường, không để tình trạng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi".

 Hình ảnh cán bộ đi lễ trong giờ hành chính xuất hiện trên VTV1 (ảnh cắt từ clip VTV).

Hình ảnh cán bộ đi lễ trong giờ hành chính xuất hiện trên VTV1 (ảnh cắt từ clip VTV).

Tại các địa phương, bộ ngành, tinh thần ấy cũng được chỉ đạo quyết liệt, trong các công điện, các cuộc họp với yêu cầu kiểm tra, giám sát kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Như tại Hà Nội, TP đã giao Sở Nội vụ tổ chức đoàn kiểm tra công vụ kiểm tra việc thực hiện nền nếp làm việc tại các cơ quan công quyền trong những ngày đầu năm và ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc từ những ngày đầu tiên của năm mới.
Tuy nhiên, trong khi các cơ quan, đơn vị bắt tay vào làm việc nghiêm túc ngay sau kỳ nghỉ Tết, vẫn có những cán bộ, công chức đi ngược chỉ đạo, bỏ bê nhiệm vụ, bớt xén công việc, “dùng chùa” giờ hành chính để du Xuân, cầu tài lộc. Qua báo chí đã thấy tại một số điểm thờ tự tâm linh xuất hiện một số hình ảnh liên quan tới việc nhiều cán bộ công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định; công chức cán bộ Điện lực Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đi lễ chùa trong giờ hành chính.
Ngay sau khi có thông tin, Bộ Tài chính đã có ngay công văn gửi Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong đó khẳng định: “Việc công chức đi lễ trong giờ hành chính là vi phạm nghiêm trọng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, Bộ yêu cầu Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm. Kho bạc Nhà nước cũng đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước TP Nam Định đình chỉ công tác ngay đối với 7 trường hợp cán bộ, công chức; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm….
Còn về phía lãnh đạo Điện lực Bình Lục đi lễ trong giờ hành chính, Công ty điện lực Hà Nam cũng đã kịp thời ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với giám đốc Điện lực Bình Lục để xem xét kỷ luật. Việc xử lý nghiêm và kịp thời này đã tạo dư luận tốt, tạo tính răn đe, làm gương, tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe, giữ nghiêm kỷ luật công vụ.
Nghiêm để răn đe
Như nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nhận định, những năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư đến các cấp, ngành, nên tình trạng cán bộ, công chức sử dụng xe công đi lễ chùa trong giờ hành chính đã bớt đi nhiều. Hầu hết mọi người đều nghiêm túc thực hiện, tuy nhiên vừa rồi vẫn còn hiện tượng cán bộ bỏ việc đi lễ, những hình ảnh vi phạm như thế cần chấn chỉnh nghiêm. Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các cấp đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này, mà cán bộ, công chức sẽ phải gương mẫu thực hiện, không thể đi ngược chỉ đạo của cấp trên.
Dịp đầu năm, tại các đền chùa, lễ hội luôn là điểm đến cầu an, cầu tài lộc của người dân. Đi chùa đầu năm cũng là một trong những hoạt động không thể thiếu trong năm mới với nhiều người. Cùng với những hình ảnh đẹp, giàu văn hóa, vẫn có những cảnh xô bồ, chen chúc. Không ít cán bộ công chức đi hết chùa này chùa kia, làm lễ này lễ nọ mong thăng quan tiến chức. Những trường hợp bị dư luận phát hiện có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bởi thế, việc vào cuộc xử lý vi phạm một cách khẩn trương, nghiêm khắc của Bộ Tài chính là rất đáng hoan nghênh. Đây cũng sẽ là bài học đối với cả những cán bộ, công chức có ý định sử dụng giờ hành chính để tổ chức du Xuân, cầu tài, cầu lộc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức vì dân mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực gây dựng. Và với các trường hợp vi phạm, dư luận cũng chờ đợi việc xử lý bằng những hình thức kỷ luật thích đáng, trong đó có trách nhiệm cả của đơn vị quản lý, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Như vậy kỷ cương mới được gìn giữ, thực hiện nghiêm minh.

Ngày 1/3, Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội đã cung cấp thông tin về kết quả kiểm tra công vụ trong tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, từ 21/2 đến hết 23/2/2018, đã kiểm tra 16 cơ quan, đơn vị (Sở GTVT; UBND các xã, phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Nhật Tân, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Trung Giã (huyện Sóc Sơn), Quốc Tử Giám, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), Phúc Xá, Trúc Bạch, Quán Thánh (quận Ba Đình), La Khê, Mộ Lao (quận Hà Đông), Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Chi cục Thuế quận Hoàng Mai, BHXH quận Hoàng Mai) và khảo sát một số địa điểm tổ chức lễ hội trên địa bàn.
Nhìn chung các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP về chỉ đạo, điều hành sau Tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, phân công lãnh đạo trực cơ quan, đơn vị; bố trí cán bộ, công chức (CBCC) trực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức. CBCC có thái độ làm việc nghiêm túc, khẩn trương; công tác tiếp công dân được quan tâm, có phân công người trực tiếp.

Đặc biệt, xung quanh việc sử dụng xe ô tô “biển xanh” đi lễ hội, trong các ngày 22, 23/2/2018, Đoàn đã kiểm tra, khảo sát tại 5 địa điểm tổ chức lễ hội, gồm: Đình - đền Kim Liên, chùa Bộc, tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa); đền Bia Bà (quận Hà Đông); đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Tại các thời điểm kiểm tra, không có trường hợp sử dụng xe “biển xanh" đi lễ hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị thiếu sót trong công tác tiếp nhận hồ sơ, tiếp công dân, công khai TTHC. Các đơn vị đã tiếp thu ý kiến nhắc nhở của Đoàn kiểm tra công vụ TP, cam kết khắc phục ngay để đảm bảo phục vụ công dân. (Linh Chi)

Ông Đặng Ngọc Thịnh - Tổ trưởng dân phố số 30, cụm 5, phường Văn Chương, quận Đống Đa:
Cũng là một hành vi tham nhũng
Tôi rất hoan nghênh việc xử lý nghiêm cán bộ công chức đi lễ chùa trong giờ hành chính. Hiện tượng này dù đã giảm nhiều so với những năm trước đây, tuy nhiên chưa hoàn toàn chấm dứt. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang quyết liệt đấu tranh nạn tham nhũng và mất kỷ cương hành chính.

Theo tôi, hành vi sử dụng giờ làm việc để đi lễ chùa (sử dụng giờ công vào việc riêng) cũng là một hành vi tham nhũng, gây thiệt hại hữu hình như xăng xe nếu họ sử dụng phương tiện cơ quan; gây thiệt hại vô hình khi mất năng suất làm việc… Vi phạm của người có chức vụ càng cần phải xử lý mạnh để làm gương nhằm chấm dứt hẳn tình trạng đi lễ chùa trong giờ hành chính vào những năm tiếp theo. (Nguyễn Phong)

Ông Hồ Khiêm - Trưởng phòng 5, Thanh tra TP Hà Nội:
Ý thức rõ trách nhiệm
Cán bộ, công chức đi lễ trong giờ hành chính không chỉ vi phạm quy định, nội quy về thời gian làm việc của công chức mà còn để lại hình ảnh không tốt của cán bộ công chức Nhà nước trong mắt người dân. Đối với đơn vị chúng tôi, ngay từ đầu năm, Thanh tra TP Hà Nội đã quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của UBND TP đến từng phòng ban chuyên môn.

Theo đó, trong ngày làm việc, cán bộ không được tham dự các lễ hội ở địa phương, khi đi công tác ở cơ sở không được uống rượu vào giờ nghỉ trưa… Nhận thức được vấn đề, mỗi cán bộ của phòng chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình, đặc biệt, chúng tôi là đơn vị thanh tra, cần phải gương mẫu hơn nữa để các cán bộ ngành khác noi gương học tập. (Hữu Trường)

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-bo-cong-chuc-di-le-trong-gio-hanh-chinh-xu-nghiem-de-nang-ky-luat-cong-vu-310993.html