Cán bộ Công đoàn giỏi, đảm bảo quyền lợi người lao động

Thời gian qua, không ít cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc khéo léo thương lượng nhiều chế độ, chính sách có lợi cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (hàng trước, thứ 3 từ phải qua) trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Công đoàn cơ sở tại Đồng Nai. Ảnh: L.MAI

Một số cán bộ CĐCS trở thành điểm tựa vững vàng để NLĐ yên tâm vượt khó, tích cực trong lao động sản xuất.

Điểm tựa của NLĐ

Là cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm tại doanh nghiệp (DN), những năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (TP.Biên Hòa) đã đưa hoạt động Công đoàn phát triển mạnh tại DN. Bản thân chị Tin khéo léo thương lượng với lãnh đạo công ty để mang đến những lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ. Nhất là trong thời điểm khó khăn đơn hàng như hiện nay, chị Tin đã đồng hành cùng DN tìm giải pháp giữ việc làm và thu nhập cho trên 1,2 ngàn NLĐ.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, thời gian tới, các cấp Công đoàn tập trung đào tạo, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS; đẩy mạnh các buổi tập huấn, nghiệp vụ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐCS.

Chị Tin cho hay, với cán bộ CĐCS, điều quan trọng là luôn nghĩ đến lợi ích đoàn viên để thực hiện các hoạt động sát thực với mong muốn của họ. Đặc biệt, phải tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để xây dựng quan hệ lao động ổn định. Với suy nghĩ đó, dù ở hoàn cảnh nào, chị vẫn nỗ lực để chăm lo đời sống tốt nhất cho NLĐ. Nhờ đó, các chính sách về lương, thưởng, phúc lợi khác của NLĐ được DN thực hiện đầy đủ, tạo động lực để NLĐ vượt qua khó khăn, yên tâm gắn bó với công ty.

Còn chị Đặng Thị Hoàng Lan, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Woalco Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã tham gia hoạt động Công đoàn từ năm 2009 đến nay. Chừng đó thời gian gắn bó cùng NLĐ, chị Lan đã thương lượng thành công nhiều chính sách có lợi để cải thiện đời sống NLĐ, như: khám sức khỏe hàng năm cho lao động nữ, trang bị phòng vắt, trữ sữa; hỗ trợ NLĐ 2 triệu đồng/năm để học tập, nâng cao kiến thức; khen thưởng lao động có thâm niên làm việc. Ngoài ra, mỗi năm DN cho NLĐ nghỉ 1 tuần để đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Công đoàn và DN phối hợp tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ và chăm lo tốt cho con NLĐ làm việc tại công ty.

Theo chị Lan, là DN tập trung đông lao động nữ, chị luôn suy nghĩ làm sao thương thảo nhiều chính sách cho nữ công nhân. Trong đó, việc khám sức khỏe và trang bị phòng vắt, trữ sữa là phúc lợi thiết thực mà chị thương lượng thành công, giúp lao động nữ được nuôi con bằng sữa mẹ.

“Khi thương lượng thành công một chính sách có lợi cho NLĐ tôi rất phấn khởi bởi vai trò của mình đã được phát huy và đáp ứng sự kỳ vọng của NLĐ. Tôi mong rằng, NLĐ sẽ luôn tin tưởng vào Công đoàn, DN để làm việc ngày càng tốt hơn” - chị Lan chia sẻ.

Là một trong những cán bộ Công đoàn nhiều năm gắn bó với nghề, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam Lê Nhật Trường cho hay, để làm tốt vai trò của CĐCS, người cán bộ Công đoàn phải biết lựa chọn phương pháp hoạt động sao cho phù hợp với tình hình thực tế, biết xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình hoạt động cụ thể. Cùng với đó, phải tạo được uy tín với DN để dễ dàng thương thảo nhiều chính sách có lợi cho NLĐ.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ CĐCS đã nỗ lực phấn đấu, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đạt được những kết quả đáng phấn khởi thông qua việc thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Nhiều cán bộ CĐCS đã mạnh dạn đề xuất các chính sách hợp lý, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ NLĐ. Nhờ đó, nhiều chính sách phúc lợi cao hơn luật quy định được các DN thực hiện đẩy đủ thông qua ký kết thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể như: khen thưởng NLĐ có nhiều năm gắn bó, tăng tiền chuyên cần, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, nhà ở, đi lại và tăng tiền bữa ăn giữa ca…

Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn về đơn hàng của DN hiện nay, nhiều cán bộ CĐCS đã thương lượng với DN tìm các phương án sản xuất hợp lý để không cắt giảm lao động. Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quadrille Việt Nam cho hay, từ trước tới nay, DN chưa bao giờ có suy nghĩ là giảm NLĐ, ngay cả những lúc khó khăn nhất, Công đoàn và DN cố gắng suy nghĩ nhiều cách lo cho NLĐ. Trong đó, có nỗ lực tìm nhiều đơn hàng để NLĐ đảm bảo việc làm, ổn định cuộc sống.

Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Hoa nhấn mạnh, cán bộ CĐCS có giỏi, nắm vững luật lao động thì quyền lợi NLĐ mới đảm bảo. Đồng thời, phải có kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, phương pháp làm việc, hoạt động khoa học. Việc đàm phán thương lượng là cực kỳ quan trọng, phải có khả năng thuyết phục để những đề xuất, kiến nghị của NLĐ được DN đáp ứng.

“Cán bộ CĐCS cần tạo niềm tin với NLĐ thông qua các hoạt động, việc làm sát thực với quyền lợi NLĐ. Có như vậy, NLĐ mới tin tưởng gia nhập Công đoàn” - bà Hoa chia sẻ.

Bên cạnh những cán bộ Công đoàn tâm huyết, sẵn sàng lăn xả vì quyền lợi NLĐ thì vẫn còn một số CĐCS, cán bộ Công đoàn còn yếu về nghiệp vụ, chưa có kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Do đó, vai trò của Công đoàn vẫn chưa được phát huy, quyền lợi của NLĐ chưa được bảo vệ kịp thời, nhất là vấn đề DN nợ lương, thưởng, sa thải lao động không đúng quy định…

Theo các cấp Công đoàn tỉnh, quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn đòi hỏi đội ngũ cán bộ Công đoàn không ngừng nâng cao năng lực, trình độ trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ CĐCS đó là nắm vững kiến thức, nghiệp vụ Công đoàn và am hiểu pháp luật lao động để bảo vệ tốt quyền lợi của NLĐ.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202306/can-bo-cong-doan-gioi-dam-bao-quyen-loi-nguoi-lao-dong-3169376/