Cán bộ 'dính' cờ bạc, tín dụng đen: Nợ nần chồng chất, sự nghiệp tiêu tan

Nhiều cán bộ công chức dính líu tới tín dụng đen, cờ bạc dẫn đến nợ nần, bị 'xã hội đen' đòi nợ, phải bỏ trốn khỏi nhiệm sở một thời gian dài. Đó là thực trạng đang diễn ra tại tỉnh Gia Lai và cũng không ít nơi khác.

Bỏ việc vì nợ nần bủa vây

Sau Tết Nguyên đán, tại tỉnh Gia Lai liên tục xuất hiện tình trạng nhiều cán bộ bỏ việc, không đến cơ quan, cắt đứt mọi liên lạc với cơ quan. Mặc dù cơ quan chủ quản đã tìm nhiều cách, nhưng vẫn không liên hệ được, một vài cán bộ, trong số đó đã “tính đường lùi” là gửi đơn xin thôi việc qua đường bưu điện để được hưởng chế độ theo quy định. Bước đầu, xác định nguyên nhân dẫn đến bỏ việc là do khó khăn gia đình, vay nợ bên ngoài quá nhiều.

Ngày 1.3, trao đổi với PV NTNN, ông Đỗ Duy Nhật - Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Sở Nội vụ Gia Lai cho biết, hiện sở vẫn đang thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra, xử lý 2 cán bộ bỏ nhiệm sở. Trong đó, trường hợp cán bộ Hồ Quang Thi (chuyên viên Văn phòng) không đến làm việc từ tháng 12.2017, nhưng không có đơn xin nghỉ phép hay thôi việc. Cơ quan đã 6 lần thông báo nhưng vẫn không nhận được hồi âm và chỉ chờ quyết định cuối cùng là cho thôi việc. Được biết ông Thi đã bán căn nhà ở TP.Pleiku. Trong khi đó, một cán bộ khác của sở là Trần Thị Bích Hà (thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) đã có đơn xin thôi việc và xin ra khỏi Đảng. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh (cơ quan thường trực là Sở Nội vụ) nhận được đơn xin thôi việc của bà Trần Thị Bích Hà tính từ ngày 27.2 và đơn xin ra khỏi Đảng tính từ tháng 3.2017 với lý do “gia đình gặp nhiều khó khăn”, đơn được gửi về từ Hà Nội. Được biết, bà Hà có vay số tiền rất lớn và đã có người tìm đến Ban Thi đua – Khen thưởng để đòi nợ. Vụ việc đã được báo cáo giám đốc sở, chờ hướng xử lý.

Vì cờ bạc, cá độ bóng đá, nhân viên VP đăng ký sử dụng đất Gia Lai ra tòa vì chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng. ảnh: Lê Kiến

Còn tại Chi cục Thi hành án dân sự TP.Pleiku, công chức Nguyễn Thị Việt Hà cũng không đến cơ quan làm việc, một thời gian sau gửi đơn xin thôi việc, bà Hà đã bị một số người gửi đơn đến cơ quan chức năng để giải quyết nợ nần. Ông Đào Trọng Giáp - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai cho biết: “Công chức Hà đã có đơn xin nghỉ việc nhưng Cục vẫn chưa chấp thuận và đã chuyển đơn này yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự TP.Pleiku xử lý theo quy định. Chúng tôi rất muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị Hà, tìm hiểu vì sao cán bộ nghỉ việc nhưng rất tiếc đến nay vẫn không liên lạc được”.

Nhiều cán bộ công tác ở Sở Nội vụ Gia Lai, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Pleiku cho biết, cả 3 cán bộ trên đều dính líu đến việc “vay nóng, vay lạnh” bên ngoài với số tiền rất lớn, không có khả năng trả nợ. Không ít lần có rất nhiều đối tượng lạ mặt tìm đến cơ quan đòi nợ. Do các đối tượng này chưa biết mặt con nợ nên khi vào cơ quan gặp ai cũng hỏi, nghi ngờ là con nợ. Do vậy nhiều cán bộ đang làm việc bị hỏi thì rất lo lắng, sợ bị “đòi nhầm”. Từ sau tết đến nay, khi biết những cán bộ này không còn làm việc ở cơ quan, các đối tượng đòi nợ mới không đến nữa .

Nợ quá hóa liều

Các hoạt động vay – mượn này công an tỉnh đã có chỉ đạo kiểm tra, xác định chủ yếu là quan hệ dân sự, chưa có vụ nào đến mức hình sự cả”.
Thượng tá Trần Ngọc Anh - Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Gia Lai

Ngày 15.9.2017, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Nguyễn Đức Tuấn (28 tuổi, trú TP.Pleiku) 9 năm tù giam, Trần Lê Nhân Hảo (27 tuổi, trú TP.Pleiku) 7 năm 9 tháng tù, Vũ Tiến Công (27 tuổi, trú TP.Pleiku) 5 năm 6 tháng tù giam về các tội danh “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuấn và Công là nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai. Cả 2 lợi dụng vị trí làm việc của mình là quản lý tài liệu, phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lấy phôi thật làm 5 “sổ đỏ” giả mang đi cầm và bán lấy tiền, chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng. Tại phiên tòa, Tuấn và Công khai lý do phạm tội là chơi cá độ bóng đá qua mạng, nợ nần với số tiền lớn nên... làm liều.

Một trường hợp khác, từ tháng 10.2017, ông Lê Văn Chúng (37 tuổi, Đội phó Đội Tổng hợp nghiệp vụ dự toán, trước bạ và thu khác thuộc Chi cục Thuế huyện Đăk Pơ) đã "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn tham ô tài sản” với tổng số tiền trên 433 triệu đồng rồi bỏ trốn. Ông Chúng cũng liên quan đến cờ bạc, nợ nần.

Mới đây nhất, cuối năm 2017, bà N.T.Ph (trung tá, Đội trưởng Đội kỹ thuật hình sự và Truy nã Công an TP.Pleiku) bị nhiều người tố lợi dụng uy tín công tác, chiếm đoạt tiền của nhiều người rồi bỏ trốn. Liên quan vụ việc này, thượng tá Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai - cho biết, bà Ph đã nghỉ hưu từ ngày 1.12.2017, hiện không còn là cán bộ công an nữa. Công an tỉnh đã nhận được đơn của một số người dân tố cáo bà Ph chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng đang tiến hành kiểm tra, xác minh.

Khó quản lý

Theo khảo sát của PV NTNN, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, “loại hình cho vay nóng, vay đáo hạn” khá phổ biến, hoạt động vay vốn theo kiểu “tín dụng đen” rất dễ thực hiện. Trên mạng internet, vỉa hè, cột điện… đều bắt gặp các tờ rơi, lời mời vay tiền với điều kiện không thể dễ hơn: “Chỉ cần giấy chứng minh, cà vẹt xe chính chủ” và một cuộc gặp mặt là có thể giao tiền. Dễ là vậy, nhưng lãi suất “cắt cổ”, nếu đến hạn mà chưa trả hoặc bỏ trốn thì sẽ có đội quân đòi nợ thuê tìm đến tận nhà, cơ quan.

Trước tình trạng nhiều cán bộ dính “tín dụng đen, bỏ nhiệm sở”, mới đây UBND Gia Lai đã có văn bản gửi Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ban ngành yêu cầu: “Có biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức cán bộ trong các hoạt động giao dịch, vay mượn, tránh các hành vi "vay lãi nặng", "tín dụng đen"; tự phòng ngừa, bảo vệ, tích cực phát hiện tố giác các hành vi liên quan đến "tín dụng đen"”. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị tìm giải pháp ngăn ngừa các hành vi tương tự (cán bộ vay “tín dụng đen” rồi bỏ việc, trốn nợ - NV). Nếu trường hợp nào có khó khăn thì thủ trưởng cơ quan có giải pháp hướng dẫn cán bộ vay vốn ở các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tài chính hợp pháp…

Tuy nhiên thực tế, quản lý việc vay mượn của cán bộ lại không dễ dàng. Ông Đỗ Duy Nhật - Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Sở Nội vụ Gia Lai - chia sẻ: “Lâu nay sở chưa có thống kê nào về việc cán bộ vay mượn bên ngoài, bị người ta đòi nợ phải nghỉ việc trên phạm vi toàn tỉnh. Chúng tôi chỉ thống kê các trường hợp bị kỷ luật, xử lý sai phạm trong cơ quan sở thôi. Mới đây, mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo nhưng việc ngăn ngừa cán bộ “vay tín dụng đen”, huy động vốn trái quy định bên ngoài rất khó nên mọi việc chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo, nhắc nhở thôi. Bởi những việc ngoài phạm vi quản lý của cơ quan là mang tính cá nhân, cơ quan làm sao quản lý được. Nếu các hoạt động vay mượn có tranh chấp thì kiện ra tòa án theo quy định”. /.

Lê Kiến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/can-bo-dinh-co-bac-tin-dung-den-no-nan-chong-chat-su-nghiep-tieu-tan-852925.html