Cán bộ gần dân, sâu sát dân

Sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng.

Gần dân, sâu sát nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển, là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng ta.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, trở nên tiến bộ.

Thực tế cho thấy, trong quá trình lãnh đạo, đa số cán bộ, đảng viên đã thực hiện gần dân, sâu sát dân, tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa gần dân, thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, quan liêu, mệnh lệnh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, chưa thật hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân...

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ, một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, là tình trạng "quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân". Đây là thực trạng đáng báo động và cần được khắc phục ngay, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, không để các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất lợi dụng chia rẽ Đảng với nhân dân.

Cán bộ, đảng viên cần phải thực sự gần dân, sâu sát nhân dân, qua đó có điều kiện tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân; tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu phê bình của nhân dân để điều chỉnh hành vi, tác phong công tác và sửa chữa khuyết điểm của mình.

Ngoài việc phải gần dân, sâu sát nhân dân, biết trọng dân, biết nghe dân nói, cán bộ, đảng viên còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Trong thời gian qua, người dân còn phàn nàn nhiều về việc cán bộ, đảng viên ở một vài bộ, ngành, nhất là ở một số địa phương ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với nhân dân, đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và Chính phủ để kịp thời giải quyết.

Cán bộ, đảng viên còn phải là người gương mẫu từ lời nói đến việc làm; nghiêm túc và thẳng thắn tiếp thu góp ý của nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải biết lắng nghe, tiếp xúc, đối thoại với dân, tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc, đồng thời giải thích cho mọi người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội...

Để làm tròn bổn phận của mình, thực sự là "công bộc của dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cán bộ, đảng viên phải coi việc gần dân, sâu sát nhân dân, thường xuyên đi cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc để có biện pháp chỉ đạo giải quyết, là một "việc làm bắt buộc"; phải làm tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân, gia đình chính sách... Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; công tâm, gương mẫu cũng là nội dung và đòi hỏi đối với cán bộ, đảng viên mà Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng sắp tới thảo luận, qua đó góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng./.

Vũ Hồng Khanh (qdnd.vn)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/dien-dan/van-de-quan-tam/can-bo-gan-dan-sau-sat-dan-115353