Cán bộ hòa giải của làng chài

Giải quyết vụ việc có tình có lý, biết cách phân tích để vụ việc được hòa giải tốt, nắm rất chắc địa bàn và đời sống của người dân, những điều đó đã giúp Đại úy Nguyễn Bá Cường, Đồn BP Phước Tỉnh trở thành cán bộ hòa giải của làng chài. Nhờ những thành tích nổi bật đó, Đại úy Nguyễn Bá Cường đã 7 năm liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Đại úy Nguyễn Bá Cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Hà Anh

Đại úy Nguyễn Bá Cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Hà Anh

Làm nguội vụ việc

Tại Đồn BP Phước Tỉnh (BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu), gia đình của nạn nhân Tăng Tấn Tài, ở huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang ngồi chờ trong phòng tiếp dân từ sáng sớm. Anh Tăng Tấn Huê, anh trai của anh Tài cùng người cha rất buồn rầu, khi nghe tin Tài bị mất tích trên một chiếc tàu đang đánh cá ngoài biển. Khi Đại úy Nguyễn Bá Cường ôm tập hồ sơ đến gặp thì gia đình nạn nhân lập tức có ý kiến phản ứng ngay.

Bố Tài cho rằng, con mình bơi lội rất giỏi ở sông nước miền Tây từ lúc còn nhỏ. Vì vậy, nói anh Tài bị rơi xuống biển và mất tích luôn là chuyện không có thật. Có thể trên tàu xảy ra mâu thuẫn và anh Tài bị đánh đập rồi rơi xuống biển chết. Giả định mà phía gia đình nạn nhân đưa ra đã cho thấy, giải quyết vụ việc như vậy không hề đơn giản và thời gian phải kéo dài, liên quan đến chủ tàu. Anh đã động viên gia đình và hướng dẫn các thủ tục viết đơn, báo cáo, làm hồ sơ ban đầu để bảo hiểm chi trả...

Phước Tỉnh là thủ phủ của đội tàu cá công suất lớn của các tỉnh phía Nam. Hơn 25.000 ngư dân thường xuyên có mặt trên những con tàu công suất lớn đánh bắt ở các vùng biển xa bờ. Rất nhiều ngư dân từ các địa phương khác đến Phước Tỉnh để làm biển, nên phát sinh rất nhiều vấn đề trong quan hệ cuộc sống hằng ngày. Năm 2015, đồn BP đã thống kê các vụ việc nổi lên như: 13 vụ thuyền viên mất tích, 12 vụ tai nạn, 2 vụ cào lưới, giết người trên biển 1 vụ, đánh nhau gây thương tích 2 vụ, tai nạn chìm tàu 2 vụ...

Đại úy Nguyễn Bá Cường từ lâu đã trở thành cán bộ hòa giải, giải quyết các vụ việc phức tạp như vậy. Và bí quyết để giải quyết tốt các vụ việc này được anh Cường chia sẻ trong một câu ngắn gọn, đó là "hơn 90% các chủ tàu của hơn 1.700 phương tiện ở địa phương mình đều nhớ rõ và biết mặt. Vì vậy, khi giải quyết những vụ tranh chấp rất nhanh gọn".

Yếu tố "quen biết, nắm rõ người" đã giúp anh hòa giải nhiều vụ thành công. Vụ tranh chấp gần đây nhất là tàu cá của ngư dân Vũng Tàu và Bình Thuận ẩu đả trên biển vì tàu vướng lưới. Vụ việc kéo dài vì ngư dân tỉnh Bình Thuận kéo lưới về quê và yêu cầu chủ tàu phải bồi thường. Đại úy Nguyễn Bá Cường đã báo cáo chỉ huy đồn và hòa giải thành công, ngư dân Bình Thuận đã trả lại lưới cho ngư dân Vũng Tàu, kèm theo 5 triệu đồng hỗ trợ thiệt hại. Trong năm 2015 đã xảy ra hơn 40 vụ trên biển thì phần lớn các vụ việc đã được Đại úy Cường hòa giải thành công.

Kéo áo đòi nợ

Gần đây, làng chài Phước Tỉnh rộ lên chuyện chủ tàu đi tuyển bạn chài, có bạn đi theo kiếm cơm, có người ứng tiền trước rồi bỏ trốn, có người ứng tiền tàu này nhưng khi mở biển lại nhảy sang tàu khác để thêm một lần ứng tiền nữa. Ngư dân đi bạn nhiều người ra biển chỉ ngủ, không chịu làm việc rồi bắt tàu chạy vô bờ... Giữa những đống vụ việc chồng chất như vậy, ngư dân thường lên đồn BP nhờ giải quyết. Ông Thảo, một ngư dân ở địa phương cho biết, "bà con ở đây cứ nhờ đồn, vì nơi đó giải quyết được, nhanh, có tình có lý, rõ ràng".

Vụ việc gần nhất là vào giữa tháng 3-2016, tàu cá BV 4356 TS và BV 4365 TS của ông Nguyễn Văn Báo khi nhổ neo rời bến, thuyền viên trên tàu đề nghị cho ứng trước tiền và cam kết tàu đánh cá hết dầu, cạn đá mới vô bờ. Nhưng khi ra biển, tàu đã tiếp nhiên liệu của tàu vận tải để đánh bắt kéo dài thêm, kiếm đủ tổn phí. Vậy là suýt xảy ra ẩu đả giữa thuyền trưởng với thuyền viên. Số thuyền viên còn lại thì đấu tranh, đi ngủ, không ra kéo lưới.

Khi tàu quay vào bờ, người nhà của thuyền trưởng đã gây "bão" ở làng chài, vì cho rằng, có một thuyền viên dùng dao khống chế, buộc thuyền trưởng phải quay tàu vào bờ. Trước vụ việc trên, Đại úy Nguyễn Bá Cường cùng anh em trong đơn vị đã buộc các thuyền viên kia hoàn bớt tiền ứng trước và cảnh cáo anh ta vì có hành vi hăm dọa đánh người, đồng thời trấn an dư luận cho 2 bên thỏa thuận dân sự, trên tinh thần thống nhất để các thuyền viên hoàn bớt tiền cho chủ tàu cá. Vì trên tàu có nhiều thuyền viên ứng trước tiền của chủ tàu với mức từ 3-6 triệu đồng.

Đồn BP Phước Tỉnh đang thực hiện phương châm "5 kiểm, 1 chứng". Các ngư dân đến Phước Tỉnh đi biển, nếu thiếu giấy tờ tùy thân thì đều phải đến đơn vị chụp ảnh, lưu vân tay vào thẻ để quản lý tạm thời. Nhờ quản lý chặt và nắm được cụ thể quê quán của các ngư dân nên vừa qua, anh đã phối hợp với các địa phương giải quyết nhiều vụ việc có kết quả. Một số ngư dân đi bạn ứng tiền của chủ tàu bỏ trốn đã quay lại Phước Tỉnh để hoàn lại tiền ứng. Ông Hải, một ngư dân ở địa phương cho biết, nhờ cán bộ đồn BP truy tìm tới nơi tới chốn, mấy ngư dân định chạy làng đã bị níu áo, nên họ phải quay lại hoàn đủ tiền cho chủ tàu.

Đại úy Nguyễn Bá Cường cho biết, nhiệm vụ được đơn vị giao thì luôn làm hết mình để hoàn thành, giúp cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản. Bên cạnh nhiệm vụ chính là trinh sát địa bàn, thực hiện hòa giải, giải quyết các vụ việc thì tôi còn kiêm cả công tác tổng hợp, xác định giỏi một việc, biết nhiều việc.

Hà Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-bo-hoa-giai-cua-lang-chai/