Cán bộ huyện chiếm đất của dân chia cho người nhà: Có biểu hiện nương tay, bỏ lọt tội phạm

Luật sư cho rằng, việc cán bộ huyện ở Thừa Thiên - Huế chiếm đất của dân chia cho người nhà có dấu hiệu tội phạm đã rõ ràng, nhưng chỉ kiến nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm cho thấy biểu hiện nương tay, có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Liên quan đến vụ cán bộ huyện “cướp” đất của dân chia cho người nhà xảy ra ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 24/7 trả lời PV VTC News, luật sư Nguyễn Đăng Tư – Văn phòng Luật sư TriLaw (TP.HCM) đã có những phân tích cho rằng, việc cán bộ huyện ở Thừa Thiên - Huế chiếm đất của dân chia cho người nhà có dấu hiệu phạm tội hình sự và việc UBND huyện kiến nghị thu hồi đất đã giao cho dân khai hoang về cho xã quản lý là sai.

Có thể xử lý hình sự cán bộ huyện ‘cướp’ đất

Luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng, với hành vi chiếm đất của dân rồi phân lô, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhà của ông Hồ Hữu Phúc có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Đăng Tư phân tích: “Trong văn bản 2022/KL-UBND của UBND huyện Phú Lộc kết luận, việc bà Nguyễn Thị Hoa tố cáo ông Hồ Hữu Phúc, nguyên chủ tịch UBND xã Lộc Tiến có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với các thành viên trong gia đình và bạn bè của ông Phúc… để hợp thức hòa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhằm chiếm đoạt các lô đất mà gia đình bà Hoa được chính quyền giao khai hoang để trồng mía vào năm 1998 là đúng”.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư (ảnh nhỏ) cho rằng, có thể xử lý hình sự với ông Hồ Hữu Phúc - nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (hiện là Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Luật sư Nguyễn Đăng Tư (ảnh nhỏ) cho rằng, có thể xử lý hình sự với ông Hồ Hữu Phúc - nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (hiện là Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Như vậy, với kết luận tố cáo này, có đầy đủ dấu dấu hiệu chứng minh ông Phúc phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 365, Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư cũng cho rằng, theo quy định của Luật Tố cáo, sau khi có kết luận tố cáo, nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm, người giải quyết tố cáo phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết.

“Tuy nhiên, trong trường hợp này, dấu hiệu tội phạm đã rõ ràng, nhưng UBND huyện Phú Lộc chỉ kiến nghị cần phải tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với ông Hồ Hữu Phúc mà không chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát hoặc cơ quan cảnh sát điều tra là chưa đúng với quy định của Luật Tố cáo, có biểu hiện “nương tay” với ông Phúc và do đó có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhằm hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, cán bộ cũng như người dân, ai có tội đều phải chịu trách nhiệm. UBND huyện Phú Lộc cần xem xét lại nội dung của vụ việc, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật một cách công bằng, không bao che, không thiên vị" - luật sư Tư nói.

Đối với khiếu nại và yêu cầu của gia đình bà Hoa, luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng, cần xem xét lại tổng thể quá trình khai hoang, canh tác, công sức của gia đình bà Hoa đã bỏ ra cũng như các lý do khách quan khác dẫn đến việc gia đình bà Hoa không thể canh tác, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nhiều năm liền, từ đó mới ban hành quyết định chính xác, nhanh chóng và phù hợp nhất để bảo đảm quyền lợi của gia đình của bà Hoa theo quy định của pháp luật, tránh dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Huyện kiến nghị thu hồi đất sai luật

Theo luật sư Nguyễn Đăng Tư, một phần của kết luận số 2022/KL-UBND ngày 11/6/2018 của UBND huyện Phú Lộc về việc: "Thu hồi các thửa đất do Chính quyền giao cho gia đình bà Nguyễn Thị Hoa khai hoang trồng mía tọa lạc tại thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế để giao cho UBND xã Lộc Tiến quản lý" là trái quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư phân tích, UBND huyện Phú Lộc căn cứ điểm h, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai 2013 cho rằng gia đình bà Nguyễn Thị Hoa bỏ khai hoang đất để thu hồi và giao UBND xã Lộc Tiến quản lý các lô đất mà gia đình bà đã khai hoang trồng mía là trái với quy định.

Khoản 2, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 quy định:"Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai".

Do đó, UBND huyện Phú Lộc muốn căn cứ vào Điểm h, Khoản 1, Điều 64 của Luật đất đai 2013 để thu hồi đất đã giao cho gia đình bà Hoa khai hoang, trồng mía do vi phạm pháp luật về đất đai thì phải: "Căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai" để thu hồi đất đã giao cho gia đình bà Hoa khai hoang.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, từ khi được giao đất khai hoang, gia đình bà Hoa không bị bất cứ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào ban hành văn bản xử lý vi phạm pháp luật về đất đai liên quan đến các lô đất đã được chính quyền địa phương giao.

“Vì vậy, việc kiến nghị thu hồi đất mà gia đình bà Hoa đã được giao khai hoang để giao lại UBND xã Lộc Tiến quản lý của UBND huyện Phú Lộc là thiếu căn cứ, trái với quy định của Luật Đất đai”, luật sư Nguyễn Đăng Tư khẳng định.

Trong trường hợp này, khi xem xét các yếu tố dẫn đến việc ngừng sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, UBND huyện Phú Lộc nên xem xét lại toàn bộ quá trình, nguyên nhân của việc không thể canh tác liên tục, xác định yếu tố lỗi rồi mới đưa ra kiến nghị để giải quyết một cách phù hợp.

Luật sư Tư cũng cho rằng, UBND huyện Phú Lộc chưa xem xét đầy đủ các yếu tố nêu trên, bởi không phải gia đình bà Nguyễn Thị Hoa bỏ hoang đất đã khai hoang, mà thời điểm đó, do bị buộc phải ngừng sản xuất, ngừng canh tác do dự án nhà máy mía đường mà tỉnh kêu gọi người dân trồng mía làm nguyên liệu bị phá sản, không có nguồn tiêu thụ, chính quyền địa phương thì không hỗ trợ tìm kiếm đầu ra.

Luật sư cho rằng, trong phần kiến nghị và xử lý ở kết luận số 2022/KL-UBND ngày 11/6/2018, UBND huyện Phú Lộc giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND huyện thủ tục thu hồi 22 thửa đất mà chính quyền giao cho gia đình bà Hoa khai hoang canh tác trồng mía đường từ năm 1988 là sai quy định của pháp luật.

Trong khi đó, gia đình bà Hoa nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trồng cây khác đều không được chính quyền địa phương chấp thuận vì khu đất thuộc quy hoạch dự án khác.

Khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gia đình bà Hoa đã làm đơn xin chuyển đổi nhưng đến hiện nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, nguyên nhân chính là do bị ông Hồ Hữu Phúc lợi dụng chức vụ quyền hạn để hợp thức hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thân trong gia đình và bạn bè (như kết luận của UBND huyện Phú Lộc).

Giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo nguyên tắc

Theo gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, gia đình bà Hoa đã 2 lần làm đơn tố cáo gửi UBND huyện Phú Lộ và ngày 12/10/2017 và ngày 13/12/2017. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo đã hết rất lâu nhưng UBND huyện Phú Lộc vẫn chưa ban hành kết luận giải quyết khiếu nại lần 1 cho gia đình bà Hoa. Đối với đơn tố cáo, UBND huyện Phú Lộc mới giải quyết và ban hành kết luận vào ngày 11/6/2018.

Chị Võ Thị Khánh Ly (con gái bà Nguyễn Thị Hoa) cho rằng, trong quá trình xác minh thông tin để giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND huyện Phú Lộc cũng chưa thu thập đầy đủ lời khai, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ từ người tố cáo, người làm chứng, người khiếu nại mà đã ban hành kết luận giải quyết tố cáo là sai với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng, việc UBND huyện Phú Lộc đến nay vẫn chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu cho gia đình bà Hoa là chưa đúng quy định pháp luật.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa nhiều lần làm đơn khiếu nại, tố cáo để đòi lại khu đất bị cán bộ huyện chiếm đoạt nhưng chính quyền thường xuyên chậm trễ giải quyết.

Theo quy định của Luật Khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.

Gia đình bà Hoa có thể gửi đơn khiếu nại lần 2 đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại.

Theo quy định của Luật Tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Đối chiếu với các quy định nêu trên, tôi cho rằng UBND huyện Phú Lộc đã vi phạm nguyên tắc giải quyết tố cáo theo quy định tại Điều 4, Luật Tố cáo.

Luật sư Tư đánh giá, sẽ là thiếu khách quan và vội vàng nếu như UBND huyện Phú Lộc chưa lấy lời khai, chứng cứ từ người làm chứng, người tố cáo mà đã ban hành kết luận như phản ánh của gia đình bà Hoa.

Khi không thu thập được hết thông tin đa chiều của vụ việc mà đưa ra kết luận và kiến nghị thì cơ quan thanh tra có thẩm quyền có thể đề xuất các biện pháp và hướng xử lý không thật sự chuẩn xác và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định cuối cùng của UBND huyện Phú Lộc cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtc.vn/can-bo-huyen-chiem-dat-cua-dan-chia-cho-nguoi-nha-co-bieu-hien-nuong-tay-bo-lot-toi-pham-d415114.html