Cán bộ huyện san đất làm vườn lấp nghĩa trang của dân

Hàng chục ngôi mộ tại nghĩa trang xóm Bắc Sơn (xã Bắc Phong) và xóm Mới (xã Thu Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) bỗng dưng mất dấu vết do bị đất vùi lấp và máy xúc cào bằng. Người dân càng bức xúc hơn khi sự việc đáng lên án này có liên quan đến hai cán bộ huyện Cao Phong.

Người dân xót xa khi mộ người thân bị vùi lấp

Tìm mộ người thân trong nước mắt

Bàn tay gầy guộc mân mê, lau từng ly từng tý trên tấm bia mộ đã bị bùn, đất phủ lên, không còn rõ tên chồng, chị Vũ Thị Hiển nghẹn ngào. “Từ khi chồng tôi mất, nhiều người bảo rằng, ngôi mộ của anh Vinh nhà tôi không được đụng đến. Nghe vậy, hàng năm gia đình cũng chỉ đi dọn cỏ chứ không hề đắp thêm lên. Hàng rào cũng dựng xung quanh để bảo vệ. Ấy thế mà người ta cho máy ủi vào phá tan hàng rào, tấm bia ghi tên anh ấy cũng bị đẩy xa gần hai chục mét”. Chị Hiển đôi mắt mọng nước tiếp tục lau đất trên tấm bia.

Tối 3/3, sau khi xảy ra việc san ủi đồi lấp nghĩa trang, hàng nghìn người dân xóm Mới và xóm Bắc Sơn đã tụ tập tại khu vực nghĩa trang Đồi Đa. Họ chặn phương tiện, yêu cầu chính quyền địa phương có mặt giải quyết và đối thoại với người dân. Nghi ngờ ông Nguyễn Ngọc Vân (Phó Chủ tịch UBND huyện) cùng ông Nguyễn Văn Kỳ (Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện) có liên quan, gây ra vụ việc nên khi thấy ông Vân xuất hiện tại hiện trường để trao đổi với người dân thì một số người vì quá bức xúc đã lao vào hành hung ông Vân làm ông này bị chấn thương. Ông Vân sau đó đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để điều trị.

Đứng cạnh chị Hiển, bà Nguyễn Thị Lộc (chị gái anh Vinh) ngân ngấn nước mắt: “Gia đình đã xác định là tuyệt đối không được đụng chạm gì đến mộ em tôi. Giờ xảy ra cơ sự này, có mệnh hệ gì thì gia đình tôi biết phải làm sao”, chị Lộc nói và chỉ tay sang khoảnh đất bên cạnh cũng mới bị san, đất còn mới. “Ở chỗ đó, tôi nhớ mang máng có mộ bà Tân. Bà ấy mất cách đây hơn hai chục năm, chẳng có ai thân thích cả. Làng xóm khi có việc qua nghĩa trang vẫn nhớ thắp cho bà ấy nén hương cho vong linh đỡ cô quạnh. Ấy vậy mà giờ cũng chẳng biết rõ vị trí ngôi mộ ấy ở đâu”, bà Lộc xót xa thay cho người quá cố.

Ở sườn đồi, nơi hàng chục khối đất đổ xuống có một cọc tre, trên đó có tờ giấy ghi vội một con số tượng trưng, vài nén hương khói nghi ngút. Nơi đây vốn là ngôi mộ của con anh Nhuận. Bỗng chốc mộ con bị lấp, anh Nhuận từ xót xa chuyển sang căm giận. “May mà có mọi người can ngăn, nếu không đã có án mạng xảy ra khi anh ấy cứ nhất quyết đi tìm kẻ gây ra chuyện này để tính sổ”, anh Nguyễn Văn Thỏa, một người dân xóm Bắc Sơn kể lại.

Trong câu chuyện với chúng tôi sáng 4/3 khi có mặt tại nghĩa trang để phối hợp với đoàn công tác của huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường, ông Đoàn Văn Toán, trưởng xóm Bắc Sơn cho biết, nghĩa trang này đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước khi những người dân quê Nam Định lên đây khai hoang theo chính sách của Nhà nước. “Việc san, ủi đất xảy ra tối 3/3, cho đến nay, chúng tôi đã xác định được 28 ngôi mộ bị ảnh hưởng, tức là không còn nguyên trạng. Sợ nhất là việc này ảnh hưởng đến “long mạch”, rồi các “cụ” về bắt vạ dân làng thì khổ”, ông trưởng xóm nói.

Đình chỉ công tác phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện

Ngay sáng 4/3, UBND huyện Cao Phong đã triệu tập cuộc họp khẩn, sau đó ra Quyết định số 230/QĐ-UBND thành lập đoàn công tác với nhiệm vụ: Tiến hành đo đạc để xác định diện tích, ranh giới đất nghĩa địa tại khu vực Đồi Đa (xóm Mới, xã Thu Phong); xem xét việc sử dụng đất làm ảnh hưởng đến các ngôi mộ.

Làm việc với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện cho biết, cùng thời điểm thành lập đoàn công tác giải quyết vụ việc, huyện cũng ra tiếp một quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để khắc phục hậu quả và phục vụ công tác điều tra của các cơ quan chức năng có liên quan đến việc sử dụng đất tại khu vực Đồi Đa.

“Thông tin huyện có được sau khi yêu cầu những người có liên quan tường trình đó là: Khu vực đất san lấp ảnh hưởng đến nghĩa trang là của ông Nguyễn Ngọc Vân - Phó Chủ tịch UBND huyện nhượng lại (thỏa thuận miệng) cho ông Kỳ. Ông Kỳ đã mua lại 4.000m2, sau đó thuê người san ủi quả đồi để lấy mặt bằng trồng cây ăn quả. Việc san ủi này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi chôn cất người thân của nhân dân xóm Mới và xóm Bắc Sơn”, ông Long cho hay.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, tại buổi đối thoại giữa người dân với lãnh đạo huyện đêm 3/3, các yêu cầu của người dân về việc phải xử lý cán bộ huyện làm sai, trả lại hiện trạng khu nghĩa trang, yêu cầu đền bù và làm lễ cúng cho những người đã khuất đều đã được lãnh đạo huyện chấp thuận.

“Anh Kỳ tiến hành san lấp, cải tạo đất mà không được phép của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn là vi phạm. Trong quá trình điều tra, tùy mức độ vi phạm của anh Kỳ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che”, ông Long khẳng định. Với trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Vân (Phó Chủ tịch UBND huyện), là nhân sự do thường vụ tỉnh ủy quản lý nên huyện sẽ có văn bản gửi lên cấp trên để xin hướng chỉ đạo xử lý.

Ông Long cũng cho biết, do việc cải tạo, san ủi đất rừng chuyển sang làm đất vườn trồng cây ăn quả chưa được phép của chính quyền và cơ quan chức năng nên huyện sẽ thu hồi toàn bộ số đất của ông Kỳ để đưa vào quy hoạch nghĩa trang.

Báo Giao thông tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.

Minh Thành - Văn Huế

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/phap-luat/dieu-tra/201403/hoa-binh-can-bo-huyen-san-dat-lam-vuon-lap-nghia-trang-cua-dan-458093/