Cán bộ kém soạn 'đuổi học sinh viên bán dâm': Nói thêm...

Bộ trưởng Nhạ cho rằng cá nhân cán bộ ý thức trách nhiệm kém nên mới quy định sinh viên sư phạm bị đuổi học nếu bán dâm quá 4 lần.

Sáng ngày 31/10/2018, trả lời chất vất của nhiều ĐBQH về dự thảo thông tư mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến có quy định về bán dâm đang khiến dư luận phản hồi tiêu cực, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói, quy định về bán dâm đối với học sinh - sinh viên đã có từ năm 2007, đến năm 2016 lại có thông tư.

"Thực tế quy định này đã có, khi rà soát Bộ đã đề nghị những nội dung không còn phù hợp thì bỏ hoặc sửa. Tuy nhiên, do cán bộ cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém đã đưa lên dẫn đến có ý kiến của xã hội" - ông Nhạ trả lời.

Tuy nhiên, nội dung trả lời của ông Nhạ không được nhiều ĐBQH đồng tình. Bà Phạm Thị Minh Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên không nhận thấy Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về vấn đề này mà lại chuyển sang cho một cá nhân khác.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

"Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né không tác động”, bà Hiền nói.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, những quy định nào không hợp lý, phản cảm, gây bức xúc xã hội thì phải sửa ngay và rút kinh nghiệm trong việc một vấn đề như thế mà đưa rộng rãi lên mạng xã hội trong khi chưa bàn.

Được biết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quá trình xây dựng Thông tư của Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ thường phải trải qua 6 bước. Trong đó, việc lấy ý kiến dự thảo là bước thứ 3 trong quá trình xây dựng. Trước đó là đề nghị xây dựng thông tư và soạn thảo văn bản thông tư.

Sau khi có đề nghị xây dựng thông tư, Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ tổ chức họp bàn, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành thông tư; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì phối hợp với tổ chức pháp chế trong trường hợp tổ chức pháp chế không chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan tổ chức soạn thảo thông tư.

Thông thường, việc soạn thảo thông tư tại các Bộ được giao cho Vụ Pháp chế chủ trì, ngoài ra còn nhiều đơn vị khác tham gia phối hợp.

Việc soạn thảo thông tư không thể do một cá nhân soạn thảo mà là sự phối hợp của nhiều đơn vị khác nhau trực thuộc Bộ.

Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, nếu thấy nhận thấy quy định nào cần tham khảo thực tế thì cơ quan soạn thảo phải phối hợp với các cơ quan liên quan hoặc đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp để tìm hiểu, lấy ý kiến.

Sau khi hoàn thành việc soạn thảo thông tư lần thứ nhất, các cơ quan soạn thảo thường tổ chức họp thẩm định, có sự tham gia của các chuyên gia liên quan để lấy ý kiến. Sau đó các ý kiến đó sẽ được xem xét, chỉnh sửa dự thảo thông tư lần thứ 2, thứ 3... trước khi đăng tải chính thức trên cổng thông tin Bộ, Chính phủ để lấy ý kiến của đông đảo người dân.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/can-bo-kem-soan-duoi-hoc-sinh-vien-ban-dam-noi-them-3368289/