Cán bộ mượn tiền doanh nghiệp: 'Không chỉ lạm dụng, lợi dụng'

Việc cán bộ lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mượn tiền của doanh nghiệp hay người dân là điều không thể chấp nhận được.

Vụ việc cán bộ thuế bị cách chức vì mượn tiền của doanh nghiệp đang gây xôn xao dư luận.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp cán bộ mượn tiền, tài sản, xe sang của người dân, doanh nghiệp bởi trước đó báo chí cũng từng phản ánh rất nhiều vụ việc như cán bộ dùng thẻ ngành đi vay tiền tỷ của người dân, vụ cán bộ phường vay tiền nhiều Chi hội người cao tuổi rồi biến mất...

Bình luận về việc này, ngày 5/11, trao đổi với báo Đất Việt, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc cách chức cán bộ thuế mượn tiền của doanh nghiệp là hoàn toàn đúng.

"Cán bộ đi vay tiền của người dân- người mà mình đang kiểm tra là việc làm không thể chấp nhận được. Việc làm của cán bộ thuế đó chỉ mang tính chất lợi dụng, lạm dụng. Ngày xưa chúng tôi đi kiểm tra không có ăn uống gì ở nơi mình kiểm tra, ngay cả ngủ nhà khách của họ cũng không chứ đừng nói là ăn uống.

Chúng tôi đến tỉnh nào kiểm tra thì phải ngủ ở một nơi khác hoàn toàn độc lập, không liên quan đến tỉnh để tránh chuyện nhờ vả, tranh thủ, lợi dụng để công việc mình đang làm sẽ được khách quan", ông Hùng nói.

Chi cục Thuế TP. Long Xuyên nơi ông Chinh công tác - Ảnh: Một thế giới

Chi cục Thuế TP. Long Xuyên nơi ông Chinh công tác - Ảnh: Một thế giới

Theo ông Hùng, đã đi kiểm tra doanh nghiệp lại còn vay tiền nói đóng học cho con, hứa ngày trả mà quỵt luôn không trả thì càng đáng bị lên án.

"Việc cán bộ mượn tiền, mượn xe của cá nhân, doanh nghiệp chỉ được trong trường hợp ốm đau cần gấp, có việc của cơ quan cần đi đâu mà đang trễ rồi. Còn nếu đang khỏe mạnh, lại đang trong quá trình kiểm tra doanh nghiệp đó mà mượn tiền của họ là không thể được. Bởi vậy, tôi cho rằng, ở đây ngoài việc cách chức còn phải xem xét tiếp các hình thức khác", ông Hùng nói thêm.

Cũng theo ông Hùng, cán bộ không thể dùng vị trí công việc hay chức vụ của mình để tạo mối quan hệ hoặc vay mượn của người dân để rồi không trả. Những trường hợp cán bộ vay tiền của người dân, Chi hội người cao tuổi, hay như việc cán bộ dùng thẻ ngành đi vay tiền rồi biến mất đều là lừa đảo.

"Những trường hợp này, cán bộ đã lợi dụng niềm tin của người dân để vay mượn họ. Việc người dân dễ dàng cho vay như thế là do họ nể cán bộ, có sự tin cậy nơi cán bộ. Bởi vậy việc cán bộ vay không trả là họ đang xúc phạm vào niềm tin của người dân.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng phải nói thêm rằng, cũng có trường hợp không tự nhiên người dân cho cán bộ vay tiền, mượn tài sản bởi có trường hợp người dân mua chuộc cán bộ, khi không đạt được mục đích thì mới quay ra tố cáo", vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ thêm.

Đồng tình với ý kiến này, cùng ngày, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính cũng cho rằng, cần phải xem xét lại nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Việc cán bộ vay tiền của doanh nghiệp là những việc làm không đúng với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức.

"Theo quy định cán bộ, công chức không được lợi dụng chức quyền để làm những việc riêng. Nếu làm trái quy định, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào thì nhà nước kiên quyết phải xử lý như xử danh tính, mức cao nhất có thể là sa thải. Còn vay nợ nhiều mà không trả thì sẽ quy vào tội lừa đảo", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết.

Cũng theo vị PGS.TS này, song song với việc xử lý những cán bộ đã vi phạm về phẩm chất đạo đức thì các cơ quan quản lý cần phải có chỉ tiêu tuyển dụng cán bộ có tiêu chuẩn về đạo đức.Việc cán bộ mượn tiền của người dân, hứa trả mà không trả còn làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị hay những cán bộ khác trong cùng đơn vị.

"Những cán bộ này chẳng khác nào "con sâu làm rầu nồi canh". Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần phải kịp thời phát hiện, xử lý. Quá trình xây dựng một đội ngũ cán bộ đòi hỏi phong cách làm việc, cách giải quyết vấn đề để người dân có niềm tin vào cán bộ mới là điều quan trọng", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri chia sẻ thêm.

Trước đó, ngày 5/11, Cục trưởng Cục Thuế An Giang Trần Văn Phước cho biết, đơn vị đã tổ chức công bố quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức ông Đặng Ngọc Chinh, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế - Trước bạ - Thu khác, thuộc Chi cục Thuế TP. Long Xuyên bởi sai phạm các quy định của ngành.

Ông Đặng Ngọc Chinh, với vai trò là Trưởng đoàn kiểm tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã tham mưu sai trong việc xử phạt doanh nghiệp. Đồng thời có hành vi lợi dụng vị trí công tác gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và vi phạm điều lệ công chức, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Cách đó không lâu, theo trình bày của các Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi trong phường Đống Đa (TP.Quy Nhơn, Bình Định), do tin tưởng bà Bùi Thị Mỹ Dung (34 tuổi) là cán bộ của Đảng ủy phường, lại có sẵn tiền (do các cụ thuộc chi hội người cao tuổi quyên góp làm quỹ để thăm hỏi nhau lúc đau ốm...) nên ban lãnh đạo chi hội đồng ý cho bà Dung vay mượn.

Tuy nhiên, bà Dung chỉ trả lãi vài tháng đầu. Khi có tin bà Dung bỏ trốn, số điện thoại không liên lạc được nên các Chi hội người cao tuổi đã làm đơn tố cáo.

Chưa hết, vào ngày 7/7/2018, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vũ Hồng Hà (39 tuổi; trú phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Hà nguyên là cán bộ quản lý thị trường của Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Để thực hiện ý đồ của mình và tạo dựng lòng tin với nhiều người, đối tượng này sử dụng thẻ kiểm tra thị trường do Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương cấp để cầm cắm hoặc photocopy đưa cho chủ nợ nhằm tạo lòng tin khi vay tiền.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-bo-muon-tien-doanh-nghiep-khong-chi-lam-dung-loi-dung-3390871/