Cán bộ nhắm mắt, bịt tai

Sông Đồng Nai khu vực cù lao Phố đoạn qua xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa bị lấp, lấn ra 5-7 m để mở quán. Họ làm từ lâu, xong rồi, giờ đứng từ xa ai cũng thấy rõ.

Ngày 16-8, khi phóng viên hỏi, ông Triệu Trung Tính, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, cho biết "sẽ tiến hành kiểm tra".

Mấy tuần nay ông chủ tịch xã đi đâu, làm gì?

Nhóm á hậu Thư Dung vào điểm du lịch "Tuyệt tình cốc" ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chụp bộ ảnh "bán khỏa thân" phản cảm. Cũng "nhờ" bộ ảnh này được post lên mạng, gây tranh cãi lùm xùm thì cơ quan quản lý du lịch địa phương mới hay. Bà giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nói "sẽ giao các phòng chức năng kiểm tra".

Quan chức ngành du lịch ở đây có làm việc không mà chẳng hay một điểm du lịch tự phát mọc lên bề bề như thế?

Có tình trạng làm tiền bến bãi ra vào Bệnh viện Quân y 103, khi người nhà bệnh nhân không chịu nộp tiền bảo kê thì xe chở người bệnh bị cấm ra vào, bị dọa đánh và nói rõ đã bao bãi 100 triệu đồng/tháng. Vụ việc được truyền thông loan ra, lãnh đạo bệnh viện này nói "lấy làm tiếc" (!). Ở một bệnh viện quân đội, chuyện như thế lẽ nào bảo vệ không biết, nhân viên y tế và lãnh đạo đơn vị cũng không hay?

Ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, người dân dắt trâu bò ra đồng gặm cỏ phải đóng phí thường niên từ 50.000 - 100.000 đồng cho hợp tác xã. Dân kêu, báo chí vào cuộc, ông chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nói "sẽ cho người kiểm tra".

Chắc là ông chủ tịch huyện ngồi phòng lạnh suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng?

Cán bộ lãnh đạo muốn nắm cơ sở tốt thì phải biết dựa vào quần chúng. Tai mắt quần chúng tốt lắm, vấn đề nằm ở chỗ cán bộ có đủ tin cậy để người dân báo tin hay không. Hoặc cán bộ có thực tâm cần đến tai mắt quần chúng không.

Để làm được hoặc làm tốt công việc, cán bộ phải bám cơ sở. Những chuyện kể trên - và còn rất nhiều trường hợp giống như thế - cho thấy cán bộ không đi cơ sở, không sát cơ sở. Vậy, do họ quá bận rộn? Chẳng phải. Do họ quá rảnh vì không biết làm gì? Cũng chẳng phải. Do họ không muốn làm đấy thôi, chứ thiếu gì việc. Và do làm hay không làm thì cũng chẳng sao, không bị ai giám sát và xử lý nên cứ làng nhàng. Có chuyện, ai réo tên mình thì lên tiếng, rất chung chung, vì theo đuôi sự việc, kiểu như "sẽ cho kiểm tra, xác minh, xử lý". Nói thế ai nói cũng được, cần gì các quan! Rốt cuộc, chẳng biết họ làm gì mà vẫn lĩnh lương.

Thế nên, ở không ít nơi, thử đến trụ sở UBND xã, thậm chí là nhiều phòng - ban trong UBND huyện, vào tầm 15 giờ là thấy "vườn không nhà trống" trong khi quán xá gần đó thì rần rần. Người dân có việc đến cơ quan công quyền mà phải canh giờ… đi nhậu của cán bộ!

Ngược lại, cũng ở nhiều nơi, cán bộ rất cần mẫn, làm không hết việc. Có nơi phải kéo việc công sang ban đêm vì ban ngày làm không xong dẫu thù lao làm ngoài giờ chẳng là bao. Ở nhiều địa phương miền núi, cán bộ phải băng rừng lội suối mấy ngày mới về tới nhà dân, nắm bắt thông tin cơ sở, giúp dân chuyện này việc kia.

Công tác cán bộ là hết sức quan trọng nhưng nhìn vào bức tranh cán bộ cơ sở thấy rầu quá, buồn nhiều hơn vui.

Cát Tường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/can-bo-nham-mat-bit-tai-20180816220741236.htm