Cán bộ sâu sát, lòng dân đồng thuận, hiệu quả cao

Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ cho các dự án, bảo đảm mục tiêu, tiến độ. Nhiều nghị quyết chuyên đề của cấp ủy đã được ban hành, triển khai thực hiện, tạo sức mạnh tổng hợp trong giải phóng mặt bằng.

Thi công đường BT Chằm, thị trấn Ðồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Thi công đường BT Chằm, thị trấn Ðồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Đa dạng cách làm

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều dự án, tập trung lĩnh vực xây dựng khu đô thị, khu dân cư, hạ tầng giao thông và các khu, cụm công nghiệp. Riêng lĩnh vực phát triển đô thị, toàn tỉnh đã thành lập và mở rộng đô thị từ 129,54km2 lên 315,98km2, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2016. Ðầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Khu công nghiệp Việt Hàn; bổ sung mới ba khu công nghiệp: Yên Lư, Yên Sơn-Bắc Lũng, Tân Hưng và mở rộng hai khu công nghiệp Quang Châu và Hòa Phú, với tổng diện tích hơn 1.000ha.

Do hầu hết diện tích đất trong diện thu hồi giải phóng mặt bằng đã được Nhà nước giao cho người dân sử dụng, không ít hộ dân có diện tích giải phóng mặt bằng lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn thu nhập chính.

Ông Doãn Văn Thúy, thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn (Việt Yên) tâm sự: "Khi Nhà nước giải phóng mặt bằng, mặc dù có thể người dân được nhận một khoản tiền khá lớn nhưng vẫn có tâm lý lo lắng bởi hết diện tích đất canh tác hoặc nhà cửa không còn nữa, phải chuyển đi nơi khác làm xáo trộn cuộc sống gia đình".

Cách đây hai năm, khi thi công tuyến đường nối từ thị trấn Nếnh qua thôn Phúc Ninh, gia đình ông Thúy phải giải phóng mặt bằng khoảng 208m2 đất thổ cư và phá bỏ toàn bộ nhà ở. Một số cấp ủy địa phương xem việc giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp mà chưa có giải pháp mạnh trong chỉ đạo, đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn; chưa phát huy tối đa sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động.

Trước những khó khăn nêu trên, nhiều cấp ủy địa phương ở các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng, Lục Nam đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cấp ủy một số huyện, xã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí trong thường trực cấp ủy phụ trách công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng theo từng dự án, công trình cụ thể. Hằng tuần, hằng tháng, thường trực cấp ủy họp giao ban nghe cơ quan chuyên môn báo cáo tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, giúp cấp ủy cùng bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập nảy sinh.

Một trong những nét mới ở một số địa phương trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng đối với công tác giải phóng mặt bằng là xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, nhất là các đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện và cấp xã. Ðầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban thay vì đồng chí Chủ tịch UBND huyện như trước. Ở cấp xã cũng vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo là Bí thư Ðảng ủy.

Theo đồng chí Tạ Huy Cần, Bí thư Huyện ủy Lạng Giang, đối với các dự án trọng điểm, có khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên kiểm điểm tiến độ, bàn biện pháp tháo gỡ; thành lập các tổ công tác do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, đại diện Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng với cơ quan chuyên môn là thành viên trực tiếp đến từng hộ tuyên truyền, thuyết phục.

Một số địa phương tăng cường bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất vào vị trí công chức địa chính xã, thị trấn và Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Lục Nam đã sắp xếp, bố trí, trưng tập gần 10 lượt cán bộ có trình độ chuyên môn vững, trách nhiệm với công việc từ các xã, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn về công tác tại Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện, đồng thời tiến hành chuyển công tác hoặc cho nghỉ việc đối với ba trường hợp là cán bộ công chức địa chính cấp xã có trình độ, năng lực yếu.

Tăng hiệu quả trong thu hút đầu tư

Thực tế cho thấy, nhờ ban hành kịp thời các nghị quyết chuyên đề liên quan công tác giải phóng mặt bằng của cấp ủy cấp huyện và cơ sở cho nên công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Lạng Giang đã thực hiện hàng trăm công trình, dự án, với gần 1.000ha đất phải giải phóng mặt bằng, liên quan đến hàng nghìn hộ dân có đất bị thu hồi.

Năm 2022, toàn huyện triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng 112 dự án, với tổng diện tích thu hồi hơn 860ha đất. Trong đó, có dự án Khu công nghiệp Tân Hưng, quy mô 105,3ha đã được giải phóng mặt bằng nhanh chóng, đúng kế hoạch. Ðiều này đã giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm có mặt bằng sạch để huy động nhân lực, máy móc tiến hành thi công xây dựng.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần LIDENCO1 cho biết: Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hưng do công ty làm chủ đầu tư sớm được triển khai là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, thôn. Chỉ trong hơn ba tháng, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cơ bản đã hoàn thành.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang thu hồi, giải phóng mặt bằng hơn 3.000ha để thực hiện 522 dự án, với tổng số gần 67 nghìn hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Trong đó, chỉ có 0,76% số hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Ðồng chí Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ở những địa phương mà cấp ủy chủ động tham gia công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận thì nơi đó tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh, bảo đảm bàn giao "mặt bằng sạch" cho nhà đầu tư.

Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ chủ yếu là phát triển nhanh công nghiệp-xây dựng với tốc độ cao, lấy công nghiệp làm trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác. Mục tiêu của nghị quyết đặt ra yêu cầu phải có sự chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, mặt bằng và hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn.

Qua việc ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng trong những năm gần đây, kinh nghiệm cho thấy, trước hết, chú trọng tuyên truyền, giúp người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời những chủ trương, chính sách của Nhà nước và địa phương. Mọi thông tin của dự án cũng như phương án đền bù giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, người dân dễ tiếp cận, tránh tình trạng để người dân hiểu không đầy đủ dẫn đến bị kích động, thắc mắc, khiếu kiện. Công tác quản lý đất đai ở mỗi địa phương phải được làm chặt chẽ, rõ ràng; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tổ chức cưỡng chế những đối tượng cố ý chây ì, đòi hỏi vô lý khi đền bù giải phóng mặt bằng.

Các cấp ủy cũng coi trọng và phát huy hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" trong giải phóng mặt bằng theo đúng phương châm "Khéo trong vận động, linh hoạt trong cách làm", huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của đoàn thể nhân dân, cán bộ chủ chốt cơ sở. Trong đó, chú trọng tính nêu gương của cán bộ, đảng viên trong gia đình thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, nhằm tạo niềm tin để quần chúng noi theo ■

Ðỗ Thành Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-bo-sau-sat-long-dan-dong-thuan-hieu-qua-cao-post710263.html