Cần bổ sung chế tài với hành vi cản trở hoạt động bào chữa của luật sư

Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư 46/2019 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015. Mặc dù Thông tư được nhiều luật sư đánh giá mang tinh thần cải cách trong hoạt động tư pháp nhưng vẫn có không ít khoảng trống, nhất là chưa làm rõ chế tài đối với cơ quan điều tra (CQQĐT) và điều tra viên (ĐTV) cản trở hoạt động bào chữa của luật sư.

Không hạn chế số lần và thời gian gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ

Thông tư 46/2019 có hiệu lực từ ngày 2-12-2019 quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự... Thông tư quy định về trình tự gặp, tham dự hỏi cung do CQĐT, ĐTV chủ động tiến hành theo kế hoạch điều tra. Trường hợp này CQĐT phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng để luật sư tham gia tối thiểu 24 giờ đối với luật sư cư trú cùng địa phương, 48 giờ đối với luật sư cư trú khác địa phương trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng.

Chính vì vậy, khi lấy lời khai người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu ĐTV đồng ý cho người bào chữa, người bảo vệ được hỏi thì phải ghi câu hỏi, câu trả lời của người bị buộc tội, đương sự vào biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung bị can, ĐTV, cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa, bảo vệ đọc lại, ký tên trên biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định trình tự luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của CQĐT, ĐTV (trừ trường hợp vụ án xâm phạm an ninh quốc gia). Điều 12 Thông tư 46 quy định khi luật sư đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và thẻ luật sư thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

Nhằm bãi bỏ quy định bất hợp lý, hạn chế thời gian gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong vòng 1 giờ, Thông tư 46 lần đầu tiên quy định việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. CQĐT, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

 Luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của CQĐT, ĐTV. Ảnh: G.B.

Luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của CQĐT, ĐTV. Ảnh: G.B.

CQĐT, ĐTV vẫn có thể gây khó cho luật sư?

Trước khi Thông tư số: 46/2019/TT-BCA được ban hành thì BLTTHS cũng đã có quy định cụ thể tại Điều 2: Bộ luật tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội…. Điều 9 BLTTHS 2015 cũng quy định về bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật.

Mặc dù Thông tư số: 46/2019/TT-BCA được nhiều luật sư đánh giá đã mang được tinh thần cải cách trong hoạt động tư pháp nhưng vẫn còn nhiều điều cần bàn luận. Điều khiến nhiều luật sư mong muốn ở Thông tư số: 46/2019/TT-BCA là chế tài đối với các vi phạm về các quyền của người bào chữa cũng như quyền của người bị buộc tội đối với các ĐTV và CQĐT. Tuy nhiên, thông tư lại không đề cập tới điều này.

Là người tham gia bảo vệ thân chủ tại nhiều vụ án lớn, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng cho rằng Thông tư còn những "khoảng trống" mà CQĐT, ĐTV có thể làm căn cứ gây khó khăn. Ví dụ: Việc luật sư, người bào chữa gặp người bị buộc tội trong trại tạm giam vẫn phải có người tiến hành tố tụng (ĐTV, KSV) giám sát thông qua thông báo của trại tạm giam là sự chưa hợp lý. Nếu trại tạm giam cách xa CQĐT hoặc CQĐT lấy nhiều lý do như: không có người giám sát...vv chắc chắn buổi đến gặp người bị buộc tội (thân chủ) của luật sư không thể thực hiện được, gây khó khăn, lãng phí và tốn kém cho luật sư.

Về thời gian nhận thông báo, thời gian có mặt của ĐTV cũng không được Thông tư đề cập cụ thể... Một bất cập khác, Thông tư yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh người thân thích của người bị buộc tội. Quyền cao nhất về mời hay không mời luật sư là của người bị buộc tội, chứ không phải của người thân thích nên việc yêu cầu phải chứng minh bằng giấy tờ là không hợp lý và thêm thủ tục gấy khó khăn cho hoạt động tiếp nhận và đăng ký bào chữa.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, đưa ra một số giải pháp mong muốn Thông tư số: 46/2019/TT-BCA được hoàn thiện hơn. Cụ thể, cần bổ sung chế tài đối với các CQĐT, ĐTV khi vi phạm và gây khó khăn, cản trở hoạt động bào chữa của luật sư. Thủ trưởng CQĐT có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyêt kịp thời các kiến nghị, khiếu nại trực tiếp của luật sư khi tham gia vào vụ án hình sự đang thụ lý. Viên kiểm sát cùng cấp đang tiến hành tố tụng vụ án có trách nhiệm phát huy vai trò trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của CQĐT và ĐTV.

BLTTHS 2015 điểm a, khoản 2 quy định về người bào chữa: Luật sư, trợ viên pháp lý, Người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân. Nhưng chắc chắn chỉ có vai trò luật sư xét cả về tiêu chuẩn và điều kiện để có thể tập hợp đại diện cho vai trò người bào chữa, thu nhận những phản ánh thực tế trong quá trình hành nghề, những khó khăn, vướng mắc và những hành vi vi phạm quyền hành nghề của một số các CQĐT, ĐTV để từ đó kịp thời có những quan điểm bảo vệ quyền của người bào chữa, đóng góp cho các cơ quan tư pháp trung ương có quan điểm chỉ đạo uốn nắn…

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-bo-sung-che-tai-voi-hanh-vi-can-tro-hoat-dong-bao-chua-cua-luat-su-167482.html