Cần bổ sung chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên phù hợp đặc thù công việc

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện 'Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên' theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã được các cơ quan THADS đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo thực hiện nghiêm trong toàn hệ thống. Song, sau gần 20 năm, văn bản này đã dần bộc lộ những tồn tại.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên, cán bộ THADS thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ từ phía các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cùng với đó là những hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình. Để có thể vượt qua cám dỗ, khó khăn, bản thân mỗi cán bộ, Chấp hành viên trong các cơ quan THADS phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trau dồi phẩm chất, đạo đức; phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị.

Năm 2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP để xác định các “Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên”, đây được coi là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp và là tiêu chí để Chấp hành viên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong việc xây dựng đạo đức, tác phong, hình ảnh của mình. Cùng với đó, hệ thống cơ quan THADS cũng đặc biệt quan tâm triển khai hiệu quả Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp”.

Có thể nói, việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP đã tạo được sự chuyển biến lớn, quan trọng về nhận thức của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, chấp hành viên cơ quan THADS trong tu dưỡng, rèn luyện về lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh trong thi hành công vụ. Tuy nhiên, qua gần 20 năm thực hiện đã nảy sinh nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, chuẩn mực đạo đức chấp hành viên được ban hành năm 2002 có nhiều nội dung mang tính quy phạm, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của chấp hành viên. Các quy định này phù hợp với thời điểm ban hành và nhiều năm về sau. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, một số chuẩn mực đạo đức chấp hành viên đã được “luật hóa” trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong những năm qua, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó những mặt tích cực và mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế, dân sự, thương mại mà một phần quan trọng đến từ việc tổ chức THADS với giá trị, số lượng, tính chất, mức độ lớn và phức tạp hơn gấp nhiều lần so với đầu những năm 2000. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới thì chấp hành viên không những cần có năng lực mà cần có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt theo yêu cầu, hoàn cảnh mới để hoàn thanh nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó đặt ra nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu mới đối với cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm việc, giải quyết quyền và lợi ích hợp của nhà nước, tổ chức, cá nhân như đội ngũ chấp hành viên.

Tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế trong những năm qua đã giúp làm rõ hơn, nhận thức đầy đủ hơn về công tác tư pháp, về vị trí, vai trò trung tâm của chấp hành viên trong công tác THADS, góp phần bảo vệ pháp luật, thực thi công lý nên ngoài những chuẩn mực đạo đức chung cần bổ sung thêm những chuẩn mực đạo đức đặc thù công việc mà chấp hành viên đảm nhận.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều cơ quan xét xử, tố tụng, nội chính đã xây dựng, ban hành các chuẩn mực đạo đức như: chuẩn mực đạo đức Người cán bộ kiểm sát, Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên,công chức, viên chức Ngành Thanh tra, …Bộ Tư pháp cũng đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp. Các chuẩn mực đạo đức nêu trên cơ bản thể hiện sự đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình mới.

Do vậy, cả hình thức và nội dung của Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP nay đã không còn phù hợp. Vì vậy, Tổng cục THADS đã chủ động phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề xuất Bộ trưởng bãi bỏ theo thẩm quyền. Quyết định mới về chuẩn mực đạo đức chấp hành viên sẽ được ban hành sau khi Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP được bãi bỏ.

Bảo Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-bo-sung-chuan-muc-dao-duc-chap-hanh-vien-phu-hop-dac-thu-cong-viec-post412720.html