Cần bổ sung quy định để hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn

Hoạt động của hội đồng quân nhân (HĐQN) tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cơ bản phát huy tốt vai trò đại diện cho quân nhân (QN), góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, để HĐQN hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với thực tiễn, cần bổ sung một số quy định về tổ chức và hoạt động của HĐQN trong quân đội.

Phát huy dân chủ, chăm lo quyền lợi

Nói về hiệu quả hoạt động của HĐQN ở Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, Đại tá Nguyễn Trung Trịnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, nêu dẫn chứng về vai trò của HĐQN trong phát huy dân chủ, đại diện chăm lo quyền lợi của QN, xây dựng đơn vị vững mạnh. Ví như đầu năm 2016, HĐQN của các cơ quan Bộ CHQS tỉnh đề nghị chỉ huy áp dụng biện pháp tiết kiệm điện, nước theo tiêu chuẩn cán bộ, chiến sĩ được hưởng, có quy định “thưởng", "phạt”. Qua đó, các cơ quan, đơn vị đã tự giác thực hiện hiệu quả tiết kiệm điện, nước. HĐQN kịp thời phản ánh những ý kiến thắc mắc, băn khoăn của cán bộ, đảng viên, quần chúng đến chỉ huy trong giao ban tuần và sinh hoạt đối thoại dân chủ hằng tháng.

 Cán bộ Cục Dân vận đối thoại, trao đổi về hoạt động của hội đồng quân nhân với cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3 (tháng 3-2018).

Cán bộ Cục Dân vận đối thoại, trao đổi về hoạt động của hội đồng quân nhân với cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327, Quân khu 3 (tháng 3-2018).

Ở nhiều đơn vị khác chúng tôi có dịp tìm hiểu, HĐQN có đóng góp quan trọng trong phát huy dân chủ, đoàn kết, hoàn thành nhiều việc khó, việc mới, xây dựng đơn vị vững mạnh. Đại tá Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị (TCCT) khẳng định: HĐQN của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động QN, công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP) thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội; phát huy dân chủ về chính trị, quân sự-chuyên môn, kinh tế và đời sống, góp phần xây dựng bầu không khí dân chủ, đoàn kết, nhất trí cao trong cơ quan, đơn vị.

Cần bổ sung chức năng hoạt động

Qua khảo sát hoạt động của HĐQN tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị cho rằng, chế độ sinh hoạt hiện tại của HĐQN theo Thông tư số 111/TT-BQP ngày 20-11-2009 của Bộ Quốc phòng theo định kỳ 3 tháng/lần, nhiệm kỳ đại hội của HĐQN ở các cơ quan là 2 năm, ở các đơn vị là 1 năm là chưa phù hợp; đồng thời đề nghị kéo dài nhiệm kỳ HĐQN như nhiệm kỳ của chi bộ, Đảng bộ cơ sở; chế độ sinh hoạt của HĐQN nên 1 tháng/lần. Lãnh đạo Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 (Quân khu 3) cho rằng, HĐQN ở đơn vị vẫn thực hiện việc giám sát, phản biện đối với cấp ủy, chỉ huy, nhưng việc giám sát, phản biện này chưa được quy định cụ thể trong Thông tư số 111 của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của cấp trên.

Qua khảo sát ở nhiều đơn vị trong toàn quân, chúng tôi thấy, tuy kinh phí bảo đảm hoạt động của HĐQN được cấp theo nguồn kinh phí CTĐ, CTCT, nhưng thực tế chưa thể trích nguồn kinh phí đó để bảo đảm cho HĐQN hoạt động, vì theo hướng dẫn của TCCT về kinh phí hoạt động CTĐ, CTCT chưa ghi rõ danh mục, định mức, nội dung chi cho hoạt động của HĐQN.

Theo cơ quan chức năng TCCT và Bộ Quốc phòng, để HĐQN trong các cơ quan, đơn vị quân đội hoạt động phù hợp với thực tiễn, nhiệm vụ, thực sự là tổ chức đại diện cho QN, CNVCQP, lao động quốc phòng; thực hiện và phát huy dân chủ trên các mặt hoạt động ở các cơ quan, đơn vị, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111 cho phù hợp. Theo đó, bổ sung chức năng giám sát, phản biện xã hội của HĐQN. HĐQN có trách nhiệm giám sát cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; giám sát các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của QN, CNVCQP, người lao động. HĐQN tham gia đối thoại, chất vấn lãnh đạo, chỉ huy về hoạt động của cơ quan, đơn vị, đấu tranh với các quan điểm sai trái, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tổ chức và hoạt động của HĐQN phải đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, cấp ủy cùng cấp; sự chỉ đạo, kiểm tra của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và hướng dẫn của cơ quan chính trị (trợ lý chính trị). Cấp ủy chỉ định thành lập HĐQN lâm thời và tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ đối với những đơn vị thành lập và giải thể trong thời gian dưới 6 tháng; không tổ chức HĐQN ở đơn vị có quân số dưới 10 người và ở những đơn vị 100% cán bộ, CNVCQP, lao động quốc phòng tham gia sinh hoạt ở tổ chức công đoàn. Cần xác định rõ nguồn kinh phí để HĐQN hoạt động; quy định cụ thể chế độ sinh hoạt, hội họp và đại hội HĐQN, tập thể QN cho phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của các đơn vị...

Bài và ảnh: QUANG THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/can-bo-sung-quy-dinh-de-hoat-dong-phu-hop-hieu-qua-hon-536511