Cán bộ TAND tỉnh Sơn La cản trở phóng viên tác nghiệp vụ xử gian lận thi cử

Mặc dù đã làm đầy đủ thủ tục và được cấp thẻ tác nghiệp, đưa tin phiên xét xử vụ gian lận thi cử gây rúng động không chỉ riêng tỉnh Sơn La mà còn được sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân cả nước, song, không hiểu vì lý do gì, cán bộ Tòa án tỉnh này liên tục gây khó dễ, cản trở PV tác nghiệp.

Video: Thẩm tra phiên tòa hình sự TAND tỉnh Sơn La cản trở phóng viên tác nghiệp:

Trong hai ngày 15 – 16/10, TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử đối với 8 bị cáo, nguyên là các cán bộ, lãnh đạo công tác trong ngành giáo dục.

Vụ án xảy ra ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, với nhiều dấu hiệu bất thường, đường dây chạy điểm đã được phanh phui khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Chính vì điều này, khi phiên tòa xét xử vụ nâng điểm thi gây rúng động này được mở công khai, người dân đang rất quan tâm theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặc dù PV đã làm thủ tục tham dự phiên tòa đầy đủ, được cấp thẻ tác nghiệp, đưa tin diễn biến phiên xử, song không hiểu căn cứ vào đâu và vì lý do gì mà một số đồng chí cán bộ tòa án tỉnh Sơn La liên tục có hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp.

Cán bộ TAND tỉnh Sơn La Mai Thanh Nghị không đeo thẻ tên, cản trở, lời nói cử chỉ không đúng mực.

Cán bộ TAND tỉnh Sơn La Mai Thanh Nghị không đeo thẻ tên, cản trở, lời nói cử chỉ không đúng mực.

Khi các PV đề nghị được liên hệ với bàn thư ký để xin phép HĐXX cho tác nghiệp, cụ thể là chụp ảnh, ghi hình, đưa tin toàn cảnh phiên tòa, phục vụ tới quý bạn đọc đang rất quan tâm, theo dõi vụ án thì một đồng chí cán bộ tòa không đeo thẻ tên, khi được hỏi chức danh cũng không cung cấp, đồng thời có những lời nói, cử chỉ thiếu văn minh, cản trở PV tác nghiệp, thậm chí còn có hành vi giật điện thoại của PV.

Bên cạnh đó, khi các phóng viên vào phòng xử án, người của tòa án liên tục nhắc nhở các lực lượng chức năng theo sát phóng viên, không cho quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại di động.

Lý do mà một số đồng chí cán bộ tòa án đưa ra là "chỉ có máy ảnh chuyên dụng mới được sử dụng tại tòa", trong khi tại khu vực xét xử không hề có biển báo cấm quay phim chụp ảnh. Chưa kể, tác nghiệp bằng điện thoại di động là một xu thế phát triển của báo chí hiện đại, đảm bảo thông tin nhanh nhạy từ hiện trường.

Lực lượng chức năng có mặt ở tòa dùng tay che ống kính phóng viên tác nghiệp.

Thêm nữa, số lượng PV, nhà báo đến đưa tin phiên tòa là rất đông, nhiều người không có chỗ ngồi, trong khi khu vực dành cho người dân tham gia tố tụng khác (khoảng 3 hàng ghế phía đối diện) bỏ trống thì phía tòa án lại cứng nhắc theo quy định và không cho nhà báo được ngồi. Có lẽ điều này là quá máy móc.

Khu vực phóng viên chật kín chỗ ngồi.

Khu vực những hàng ghế đối diện lại bỏ không.

Tại khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể là “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Phạm Tùng - Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-bo-tand-tinh-son-la-can-tro-phong-vien-tac-nghiep-vu-xu-gian-lan-thi-cu-a452946.html