Cán bộ vi phạm giao thông phải xử lý nghiêm: Cách nào thực hiện?

Quy định nêu rõ: 'Mọi cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải bị xử lý nghiêm của Đảng, của từng ngành, của cơ quan đơn vị'.

Cán bộ vi phạm giao thông - người dân nói gì?

Không ít lần chứng kiến người vi phạm giao thông tự giới thiệu công tác ở chỗ nọ, chỗ kia để xin xỏ, anh Nguyễn Hoàng Minh (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng rất ít khi thông tin về cán bộ, công chức vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử lý và đưa thông tin rộng rãi để tăng tính răn đe:

"Gần như rất ít thông tin xuất hiện, chỉ thấy phản ánh qua báo chí hoặc những vụ rùm beng thì người dân mới biết, chứ bình thường không biết được. Còn trường hợp nào người vi phạm làm quá lên, giống như một số vụ gây rối ở sân bay hoặc cậy vào mối quan hệ nào đó thì người dân mới biết thôi".

Theo chị Phạm Hồng Thương (ở Hà Đông, Hà Nội), lâu nay có tình trạng xuê xoa trong việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. Mặc dù vậy, chỉ số ít vụ việc nổi cộm cán bộ, công chức vi phạm bị quay clip và đưa lên mạng cũng đã khiến dư luận bức xúc.

Bởi vậy, chị Phạm Hồng Thương mong muốn, mọi vi phạm về giao thông đều phải bị xử lý bình đẳng, đồng thời, cán bộ, đảng viên còn phải bị cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ đó xử lý để nêu gương.

"Người dân chỉ biết đến những vụ việc nổi cộm qua mạng xã hội và báo chí còn lại thì hầu như không có thông tin gì. Tôi thấy, khi vi phạm thì họ xưng làm ở nơi nọ nơi kia chủ yếu để xin xỏ, nếu thực hiện được việc thông báo đến cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, đảng viên, viên chức mới tạo được sự bình đẳng từ đó giảm vi phạm", chị Thương cho biết.

Ảnh người đàn ông tự ý vào trụ sở cơ quan nhà nước để lẩn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng

Dẫn thực tế đang áp dụng tại đơn vị mình, anh Nguyễn Quang Hòa - công tác tại một đơn vị hành chính ở quận Long Biên, Hà Nội cũng cho hay, từ lâu, đơn vị đã áp dụng quy định: nếu cán bộ, công chức vi phạm Luật Giao thông, bị lực lượng chức năng báo về, cán bộ, công chức đó sẽ bị xử lý, có thể bị hạ bậc thi đua, thậm chí hạ bậc lương.

Anh Nguyễn Quang Hòa mong muốn, việc xử lý cán bộ, Đảng viên vi phạm Luật Giao thông được áp dụng rộng rãi để tăng tính răn đe: "Ví dụ như chúng tôi chẳng hạn, chấp hành rất nghiêm vì sợ thông báo về cơ quan đơn vị sẽ bị kỷ luật, hạ bậc lương. Cán bộ, công chức chấp hành nghiêm thì toàn dân sẽ nghiêm, cái đấy phải nên làm".

Đại úy Đặng Hoàng Anh, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý hơn 4.600 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 12 tỷ đồng. Theo Đại úy Đặng Hoàng Anh, việc thông báo về cơ quan, đơn vị của người vi phạm mới thực hiện được rất ít.

"Hình thức này có tính răn đe và hiệu quả cao, đồng thời cũng tuyên truyền cho những người khác cùng làm việc trong cơ quan, tổ chức để tránh mắc phải những vi phạ, ví dụ như sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, hoặc đi vào làn dừng khẩn cấp…", Đại úy Đặng Hoàng Anh nói.

Thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong quý I/2023, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện và xử lý hơn 308 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, chiếm hơn 11% số vụ vi phạm, song không có thống kê người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý được thông báo về cơ quan, đơn vị.

Luật hóa cơ chế thông báo vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức về cơ quan, đơn vị của người vi phạm sẽ góp phần tăng tính răn đe

Xử lý cán bộ vi phạm giao thông - giải pháp nào thực thi?

Theo PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng Khoa nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, để xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Luật Giao thông, trước hết cần bắt nguồn từ lực lượng thực thi công vụ, đảm bảo tất cả mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử lý bình đẳng trước pháp luật.

Khi đó, không những công chức, viên chức vi phạm bị xử lý, mà cả những người gọi điện, can thiệp, tác động cũng cần bị xử lý:

"Tại sao lại có câu chuyện “có gọi điện cho ai thì gọi đi, trước lúc tôi lập biên bản”? Điều đó có nghĩa là bản thân trong hệ thống pháp luật của chúng ta đang có rất nhiều hạt sạn như vậy. Vậy thì bây giờ phải loại bỏ bằng được những hạn sạn đấy. Người xử lý là người cầm cân nảy mực mà đã như vậy thì nếu tôi là một quan chức, bao giờ tôi cũng cố gắng dựa vào cái quan chức của tôi để được bỏ qua".

Ở góc độ khác, PGS TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội phân tích, cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức trước hết là một công dân tham gia giao thông, nếu có vi phạm ngoài việc bị xử lý theo Luật Giao thông đường bộ, còn bị ràng buộc bởi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Do vậy, trong tương lai khi có hệ thống dữ liệu được tích hợp và có cơ chế khai thác dữ liệu phục vụ việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức mới có thể thực hiện:

"Báo về hay không thì nó không bị ràng buộc bởi Luật Giao thông mà bị ràng buộc bởi Luật Công chức, Luật Viên chức và các quy định của đảng viên. Luật Giao thông sẽ chỉ có câu chuyện của Luật Giao thông thôi, chúng ta không thể yêu cầu người thực thi Luật Giao thông phải làm luôn nhiệm vụ của Luật khác. Ví dụ chúng ta muốn công nhân, viên chức tuân thủ thì phải tuân thủ, thực thi nguyên tắc của Luật Công chức, Viên chức".

Đồng tình quan điểm này, TS Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, từ việc khai thác dữ liệu trên căn cước công dân của người vi phạm, hoàn toàn có thể nắm bắt chính xác đơn vị công tác của người vi phạm để thông báo.

Tuy vậy, theo TS Trần Kiên, thực hiện điều này sẽ phát sinh thêm công việc cho lực lượng CSGT. Do vậy, để thực hiện một cách thống nhất trên toàn quốc, cần luật hóa việc thông báo vi phạm của cán bộ, viên chức:

"Trong luật phải có quy định là “đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thì bên xử lý có quyền gửi thông báo về cho cơ quan anh công tác, chứ nếu không chả ai dám làm vì đấy có phải thẩm quyền của người xử lý đâu. Vì cái này vừa liên quan đến thẩm quyền của người xử lý, vừa liên quan đến quyền nhân thân, rồi bí mật đời tư của người ta".

Một số ý kiến đều đồng tình, việc luật hóa cơ chế thông báo vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức về cơ quan, đơn vị của người vi phạm sẽ góp phần tăng tính răn đe, qua đó giảm thiểu tình trạng cán bộ, công chức vi phạm TTATGT. /.

VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/can-bo-vi-pham-giao-thong-phai-xu-ly-nghiem-cach-nao-thuc-hien-post1024172.vov