Cán bộ xin tự nguyện từ chức không dễ bởi 'còn ghế' là còn lợi ích

Câu chuyện 'tham quyền cố vị' ở một số cán bộ, nhiều khi không phải chỉ do chính bản thân họ, mà có thể còn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn của xã hội.

Có cán bộ bị kỷ luật vẫn “tham quyền cố vị” do chưa đặt trách nhiệm lên trên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Túc (nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhìn nhận: “Ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Thông báo kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Đa phần những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thường đã được rèn luyện suốt một thời gian dài, từng phải phấn đấu rất nhiều để có được vị trí như vậy.

Và đáng lẽ, ở một vị trí nhiều trách nhiệm với một quá trình rèn luyện, phấn đấu như thế, bản thân mỗi cán bộ phải tự nhận thức được vai trò trách nhiệm, biết năng lực và uy tín của mình đến đâu, đặc biệt sau khi bị kỷ luật, để tự nguyện từ chức”.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Ông Nguyễn Túc phân tích: “Chủ trương khuyến khích cho những cán bộ không còn đủ năng lực, không còn đủ tín nhiệm, tự nguyện rút lui, trước đây, chuyện đó là bình thường.

Tuy nhiên, với việc phát triển kinh tế nhiều thành phần như hiện nay, trong lúc có nhiều người còn “chạy” bằng cấp, “chạy” chức, “chạy” quyền, thì để một cán bộ ở vị trí cao, sau khi có quyết định kỷ luật từ tổ chức tự nguyện xin rút lui là điều không dễ dàng. Thế mới có chuyện, không ít đồng chí vẫn cố tại vị.

Một phần là do cơ chế thị trường tác động, dẫn đến việc có những cán bộ không đặt trách nhiệm lên cao nhất, mà chỉ đặt quyền lợi của bản thân lên trên hết. Vì thế khi vi phạm, bị kỷ luật, vẫn thường cố "bám" lấy vị trí để tiếp tục duy trì quyền lợi cá nhân.

Đó là một chuyện rất đau lòng!

Nhưng câu chuyện “tham quyền cố vị” ở một số cán bộ, nhiều khi không phải chỉ do chính bản thân họ, mà có thể còn bị ảnh hưởng bởi cái nhìn của xã hội.

Trước hết là ở cách nhìn của vợ/chồng/con cái và gia đình, họ hàng, có những người cho rằng, ở vị trí như vậy mà lại từ chức thì mất quyền lợi, mất uy tín. Bên cạnh đó, xã hội cũng nhìn nhận chưa đúng về chuyện này. Có thể khi thấy một cán bộ từ chức, sẽ có những điều tiếng về họ không đúng... Đó chính là những “rào cản” khiến một số cán bộ “ngại” nghĩ đến chuyện từ chức”.

“Chính vì vậy, để cán bộ bị kỷ luật có thể tự giác từ chức, theo tôi, một mặt, bản thân cán bộ đó phải tự biết mình, biết năng lực và uy tín của mình đang ở mức nào... Mặt khác, ở chi bộ, Đảng bộ, nơi đồng chí đó công tác, phải có sự đấu tranh, phê bình một cách chân thành, không phải “dồn ép thái quá”, cũng không “dĩ hòa vi quý”. Phải làm sao để bản thân đồng chí đó nhìn nhận đúng, để đồng chí tự giác, hình thành văn hóa từ chức.

Chứ hiện nay, theo tôi thấy, ở nhiều chi bộ, tinh thần phê bình, tự phê bình rất yếu. Xã hội lại nhận định không đúng về vấn đề từ chức, nên rất khó để mỗi cán bộ tự giác”, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Làm sao tạo được sự đồng thuận với chuyện tự giác từ chức

Từ những phân tích đó, ông Nguyễn Túc cho rằng: “Bây giờ, khi đã có một chủ trương về từ chức với cán bộ bị kỷ luật, công tác tuyên truyền từ truyền thông báo chí cũng rất quan trọng. Chúng ta phải tuyên truyền làm sao để bản thân mỗi cán bộ bị kỷ luật hiểu, để gia đình các cán bộ đó và xã hội cũng đồng thuận với chuyện tự giác từ chức.

Xã hội phải thấy được rằng, khi cán bộ không còn đủ năng lực, không còn đủ uy tín, thì rút lui là chuyện bình thường, để không còn kiểu “ném đá”, hay đẩy người ta vào “bước đường cùng” như đã có trường hợp xảy ra trước đó.

Đây là sự phối hợp giữa các bộ phận, để giúp cho cán bộ bị kỷ luật nhận thức được trách nhiệm và tự rút lui. Đó là cái mà tôi thấy cần phải làm, chứ không phải chỉ làm công tác tư tưởng cho mỗi bản thân cán bộ đó. Đúng là bản thân cán bộ đó là người quyết định, nhưng những tác động bên ngoài của gia đình, của xã hội cũng hết sức quan trọng”.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra: “Một ý nữa trong kết luận của Bộ chính trị cũng rất quan trọng, rất nhân văn, đó là sau một thời gian, nếu bản thân các cán bộ đã bị kỷ luật đó có thể sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, thì Đảng vẫn tin dùng.

Đây không chỉ là nội dung thể hiện tính nhân văn, mà cũng là đòi hỏi của Đảng về đội ngũ cán bộ. Để đào tạo, bồi dưỡng được một cán bộ phấn đấu lên được vị trí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là vô cùng khó, vậy nên, phải làm sao giúp cho đồng chí đó thấy được thiếu sót, thấy được khuyết điểm của mình, để cố gắng phấn đấu, sửa chữa, để quay trở lại phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân... Như vậy đáng quý biết bao nhiêu!

Chúng ta đừng nghĩ rằng, kỷ luật một cán bộ ở vị trí như vậy, mà các bên liên quan sẽ cảm thấy dễ dàng. Không phải như vậy! Đó là một điều rất đau xót, đau xót nhưng vẫn phải thực hiện, vì cái chung, vì tính kỷ luật của Đảng. Một đồng chí bị kỷ luật vì khuyết điểm, thì chính chúng ta đau!

Tôi cho rằng, tạo cơ hội cho đảng viên bị kỷ luật khắc phục, sửa sai, đó là một điều rất cần thiết, không nên đóng sập cửa, mà nên tạo ra những cơ hội phía sau với công tác cán bộ. Để đào tạo được một đội ngũ cán bộ trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, có kinh nghiệm trong công tác là điều không dễ dàng.

Ngân Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-bo-xin-tu-nguyen-tu-chuc-khong-de-boi-con-ghe-la-con-loi-ich-post229572.gd