Cần cách ứng xử công bằng hơn với công ty tài chính

Thị trường đang thiên nhìn về mặt chưa tốt với hoạt động cho vay tiêu dùng mà bỏ qua hàng triệu người đã vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ vay tiêu dùng.

Chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết, thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, FE Credit đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ cho khách hàng từ tháng 2/2020 cho đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh.

FE Credit đã thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 185.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng; đồng thời, xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tin trên là một trong những dẫn chứng cho thấy, là thành phần của hệ thống tài chính, các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng nói chung và FE Credit đang hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của hệ thống tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Ðức, Giám đốc Công ty Luật BASICO nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển nhưng hành lang pháp lý vẫn nhiều điểm chưa phù hợp, đi sau thực tiễn.

Luật sư Ðức dẫn giải, đối với hoạt động cho vay bên ngoài các tổ chức tín dụng, luật pháp (Bộ luật Dân sự năm 2015) quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm. Nếu cho vay lãi cao hơn, cộng với một vài dấu hiệu phạm pháp khác thì bị coi là tín dụng đen.

Còn cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, cùng với việc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì sẽ phạm tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Ðiều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Coi tài chính tiêu dùng như ngân hàng là không phù hợp, trong khi các CTTC tiêu dùng không được huy động vốn từ dân. Ðó là một trong những lý do mà các CTTC tiêu dùng “vừa chơi vừa run”, còn cho vay nặng lãi hoạt động tốt bởi lách luật ngoạn mục khi cho vay không có hợp đồng”, ông Ðức nói.

Cần sự chia sẻ

Ở vị trí người trong cuộc, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc SHB Finance chia sẻ, hoạt động cho vay của CTTC tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN điều chỉnh về hoạt động cho vay tín dụng cá nhân.

Thông tư quy định rõ trách nhiệm của bên cho vay cũng như khách hàng đi vay. Mặc dù CTTC phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của NHNN trong hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân, nhưng các quy định pháp luật hiện hành lại chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của CTTC trong hoạt động thu hồi nợ của các khách hàng không trả đúng hạn do cố tình chiếm dụng tiền vay của CTTC.

“Thực trạng trên dẫn đến việc các CTTC xây dựng cho mình nhiều cách thu hồi nợ khác nhau để có thể thu hồi vốn đã bị khách hàng chiếm dụng không đúng quy định pháp luật. Ðiều này vô hình trung đã làm cho hình ảnh của các CTTC bị xấu đi từ góc độ quan hệ với khách hàng cũng như cách nhìn nhận vấn đề của giới truyền thông”, bà Vy chia sẻ.

Ðặc biệt, bà Vy cho biết, đã có trường hợp khách hàng chậm trả nợ hoặc không muốn trả nợ đã hành hung nhân viên thu hồi nợ tại địa bàn khi được yêu cầu trả nợ. Do chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ nên các sự vụ này vẫn chưa được chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc giải quyết thỏa đáng.

Luật pháp cần bảo vệ người bị hại, không chỉ là người đi vay mà còn là người cho vay

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit

Ông Phúc kiến nghị, luật pháp cần bảo vệ người bị hại không chỉ là người đi vay mà còn là người cho vay - các TCTD - trong trường hợp người đi vay vi phạm quy định.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý cho việc thu hồi nợ của các công ty cho vay tiêu dùng song trên thực tế, pháp luật hiện nay vẫn thiên về người đi vay nhiều hơn.

Cũng theo ông Phúc, trong tương lai, cần có sự điều chỉnh quy định theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn về trách nhiệm trả nợ của người vay để bảo vệ bên cho vay, tạo sự công bằng trong việc bảo vệ CTTC lẫn khách hàng.

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục đích chủ yếu là tác động vào ý thức của các chủ thể hợp đồng nhằm giáo dục ý thức tôn trọng hợp đồng, phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Khi cả hai phía được bảo vệ lợi ích ngang nhau và được luật hóa bảo vệ thì trách nhiệm từ hai phía sẽ được nâng lên, thị trường vay tiêu dùng sẽ an toàn, lành mạnh.

“Ðể đạt được những lợi ích chung cho toàn xã hội, các CTTC nói chung và FE Credit nói riêng rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan để thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng phát triển”, ông Phúc nói.

Ðồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Ðức nói: “Không chỉ cần có luật riêng để bảo vệ người tiêu dùng, mà tương tự cũng cần có luật riêng cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển”.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tu-van-tai-chinh/can-cach-ung-xu-cong-bang-hon-voi-cong-ty-tai-chinh-328352.html