Cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh

Hiện nay đa số các lao động của Việt Nam chưa qua đào tạo. Các doanh nghiệp đang phải áp dụng khoa học công nghệ và đi theo xu hướng cắt giảm dần lao động, tự động hóa. Thách thức đặt ra là đào tạo nguồn lao động đáp ứng được những yêu cầu của thị trường và thực hiện các cam kết về việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã nhận định như vậy khi đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến lĩnh vực lao động, xã hội.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nghề phù hợp với những yêu cầu mới.

Tại Hội thảo về điều khoản lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới diễn ra ngày 19/11 tại Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm đều nhận định: Các hiệp định vừa tạo cơ hội, vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.

Khi Việt Nam tham gia vào FTA, lao động Việt Nam có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống. Tuy nhiên, để tìm kiếm cơ hội việc làm mới, người lao động cần phải đáp ứng các tiêu chí về lao động.

Theo ông Đào Quang Vinh, cùng với các Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội phê chuẩn hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Không chỉ mang lại ưu đãi về thuế xuất, các FTA còn giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm, tăng cường hội nhập, phát triển.

Với CPTPP, hứa hẹn sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế và nhiều lợi ích xã hội, tạo ra từ 17.000 - 27.000 việc làm, tạo cơ hội mới cho cả người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người lao động, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác giữa chính phủ và người dân các nước ký kết… Song bên cạnh đó, việc ra nhập CPTPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không hề nhỏ.

Cũng theo ông Đào Quang Vinh, ước lượng tác động của từng FTA đến thị trường lao động đều cho thấy tăng việc làm theo ngành. Trong đó với FTA giá trị xuất khẩu ngành đồ gỗ và dệt may tăng 1% thì việc làm tăng tương ứng ở mức 0,083% và 0,072%. Vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành da giày, đồ gỗ và điện tử tăng 1% làm tăng nhu cầu sử dụng lao động tương ứng 0,067%.

Với CPTPP giá trị xuất khẩu ngành đồ gỗ, dệt may, thực phẩm đồ uống tăng 1% thì nhu cầu lao động trong ngành này tăng tương ứng ở mức 0,084%... “Các FTA đều góp phần tạo thêm việc làm, đặc biệt là trong những ngành mà Việt Nam có lợi thế về nhân lực và chi phí lao động như dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, chế biến thực phẩm… Theo đó, tiền lương sẽ được cải thiện, đặc biệt trong doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, kết quả dự báo có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sự đáp ứng của môi trường kinh tế vĩ mô, đổi mới chính sách, sự chuẩn bị của doanh nghiệp và người lao động” - ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh.

Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng nhận định, CPTPP và EVFTA mang lại những lợi ích về kinh tế cho Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, thách thức đối với lao động Việt Nam cũng không nhỏ, nhất là về nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề cao và vốn hiểu biết, kiến thức và ứng xử trong môi trường quốc tế.

Đây là một thách thức phức tạp đối với cá nhân người lao động, những người không được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với sự thay đổi đó. Cá nhân người lao động không thể đoán trước được những công việc nào sẽ biến mất và những kỹ năng mới nào sẽ cần trong tương lai.

Thực tế theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có những tác động quan trọng giúp cải thiện bình đẳng giới, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động của phụ nữ và thu hẹp khoảng cách về tiền lương theo giới trong một số trường hợp nhất định. Thêm vào đó, không có bằng chứng nào cho thấy những điều khoản về lao động như vậy làm thay đổi hay suy giảm dòng chảy thương mại hay được sử dụng cho mục đích bảo hộ.

Thậm chí, nghiên cứu của ILO còn chỉ ra rằng hiệp định thương mại có điều khoản về lao động giúp tăng trung bình giá trị thương mại thêm 28%, trong khi những hiệp định không có điều khoản về lao động chỉ giúp tăng trung bình 26%. Để tận dụng được các lợi ích vượt qua những khó khăn, thách thức, và nắm bắt cơ hội phát triển bền vững, nhiều chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần cải cách thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng theo các chuyên gia về lao động, dưới sự tác động của việc ra nhập các hiệp định FTA sẽ xuất hiện phân hóa về tiền lương giữa lao động có kỹ năng cao, trình độ cao với lao động trình độ thấp. Vì vậy, Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh trong các chính sách về lao động, việc làm về đào tạo nghề; chính sách an sinh xã hội.

“Chính phủ Việt Nam cần nâng cao năng lực hoạch định và thực hiện các chính sách thị trường lao động tích cực, dự báo thay đổi trong thị trường việc làm, đưa đào tạo nghề phù hợp với những yêu cầu mới, cải thiện hệ thống giáo dục và cung cấp bảo trợ xã hội trong quá trình chuyển từ công việc này sang công việc khác”, ông Chang Hee Lee khuyến nghị.

Chia sẻ về lộ trình đề xuất phê chuẩn các công ước của ILO khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, Phó Vụ trưởng – Vụ pháp chế Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay để đảm bảo tuân thủ các cam kết về lao động, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP, trong đó có điều khoản về Công đoàn.

Theo ông Bình, sẽ cần từ 3-5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả.

Ngọc Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-cai-cach-the-che-nang-cao-kha-nang-canh-tranh-83188.html