Cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Quân đội Triều Tiên đông đảo về quân số, pháo binh hùng hậu, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, trong khi Hàn Quốc quân số ít hơn nhưng sở hữu trang bị hiện đại và có Mỹ hậu thuẫn.

Hàn Quốc và Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký kết hiệp định hòa bình kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1953. Thời gian gần đây, Triều Tiên thường xuyên bắn thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Đáp lại hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tiến về bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng hành động của Mỹ. Những tuyên bố và động thái quân sự của các bên khiến “bóng ma chiến tranh” lại bao trùm lên bán đảo Triều Tiên.

Tương quan lực lượng quân sự giữa 2 miền Triều Tiên. Đồ họa: Forbes.

Lúc này, tương quan lực lượng trên bán đảo đã có nhiều thay đổi so với cuộc chiến 64 năm trước. Đặc biệt, sức mạnh quân sự Triều Tiên đã tăng nhiều lần.

Lục quân Triều Tiên đông, quân Hàn Quốc hiện đại

Quân đội Triều Tiên có quân số đứng thứ 4 thế giới với khoảng 1,19 triệu binh sĩ. Triều Tiên sở hữu số lượng khổng lồ trang thiết bị chiến đấu mặt đất.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Bình Nhưỡng có khoảng 21.100 khẩu pháo mặt đất và pháo phản lực các loại, trong đó có những loại pháo tầm xa như M1978 Kosan 170 mm, tầm bắn tới 60 km.

Các loại pháo phản lực phóng loạt với tầm bắn dao động từ 20-70 km. Những hệ thống này có thể dội tới 4.400 rocket/phút xuống Seoul. 2.414 xe tăng chiến đấu chủ lực các loại, trong đó hiện đại nhất là Pokpung-ho, Chonma-ho do Triều Tiên chế tạo.

2.200 xe bọc thép các loại, chủ yếu là những sản phẩm do Liên Xô chế tạo những năm 60-70, phần lớn đã lạc hậu so với chiến tranh hiện đại.

Quân đội Hàn Quốc có quân số khoảng 655.000 người được tổ chức thành 38 sư đoàn và một bộ chỉ huy hoạt động đặc nhiệm. Trang thiết bị chiến đấu mặt đất của Hàn Quốc tuy không đông đảo như của Triều Tiên nhưng rất hiện đại.

Lục quân Hàn Quốc sở hữu khoảng 3.500 xe tăng, trong đó có khoảng 390 K2 Black Panther được đánh giá là xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới, hay 1.524 xe tăng chiến đấu chủ lực K1A1 có sức mạnh vượt trội so với xe tăng Triều Tiên. Đặc biệt, Hàn Quốc còn sở hữu 33 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U của Nga.

11.000 khẩu pháo mặt đất và pháo phản lực các loại, trong đó hiện đại nhất là pháo tự hành K9 Thunder, một trong những lựu pháo tự hành tốt nhất thế giới. 2.700 xe bọc thép các loại, trong đó có xe chiến đấu bộ binh K21 được đánh giá có sức mạnh tác chiến hàng đầu thế giới.

Hải quân: Hàn quốc vượt trội

Trang thiết bị chiến đấu của Hải quân Triều Tiên khá lạc hậu gồm 72 tàu ngầm, trong đó đông đảo nhất là tàu ngầm mini lớp Sang O do nước này tự chế tạo. Gần đây, Triều Tiên đã chế tạo tàu ngầm lớp Sinpo có khả năng mang tên lửa đạn đạo.

Tàu chiến mặt nước lớn nhất của Triều Tiên là 3 tàu hộ tống lớp Najin với lượng choán nước khoảng 1.900 tấn được chế tạo vào những năm 1970 với vũ khí chính là pháo. 30 tàu quét mìn, 40 tàu tên lửa tốc độ cao, 247 tàu phóng lôi, 191 tàu tuần tra.

Soái hạm của Hải quân Triều Tiên (trái) quá lạc hậu so với tàu khu trục Sejong Đại đế (phải) của Hàn Quốc. Ảnh: Military Today/Hải quân Mỹ.

Theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), phần lớn tàu chiến của Triều Tiên không thể hoạt động ở cự ly trên 50 hải lý từ bờ biển nước này nhưng có khả năng bảo vệ lãnh hải khá tốt. Đặc biệt hạm đội tàu ngầm mini tuy lạc hậu nhưng vẫn là mối đe dọa lớn.

Hải quân Hàn Quốc sở hữu hạm đội tàu chiến mặt nước có sức mạnh tác chiến hàng đầu khu vực châu Á. Lực lượng này có những tàu chiến đẳng cấp thế giới.

Trang thiết bị gồm 20 tàu khu trục, trong đó có 3 tàu lớp Sejong Đại đế, một trong 10 tàu khu trục mạnh nhất thế giới. Một tàu đổ bộ trực thăng, 23 tàu ngầm phi hạt nhân, 14 tàu hộ vệ tên lửa, 16 tàu hộ tống, 86 tàu tuần tra, 10 tàu quét mìn, 20 tàu phụ trợ.

Hải quân Hàn Quốc là lực lượng có năng lực tác chiến xa bờ, lại có sự hậu thuẫn của Hải quân Mỹ nên xét về tương quan lực lượng hoàn toàn áp đảo so với hải quân lạc hậu của Triều Tiên.

Không quân: Bình Nhưỡng thất thế

Không quân Triều Tiên có khoảng 563 máy bay chiến đấu các loại, trong đó hiện đại nhất là tiêm kích MiG-29 của Liên Xô, khoảng 40 chiếc. MiG-29 được xem là phương tiện chủ lực để đối phó với các chiến đấu cơ hiện đại của Hàn Quốc.

Khoảng 105 máy bay chiến đấu MiG-23, 35 cường kích Su-25, 60 tiêm kích MiG-21 do Liên Xô chế tạo, cùng một số máy bay do Trung Quốc chế tạo. 302 trực thăng các loại. Ngoại trừ MiG-29, các máy bay chiến đấu còn lại của Không quân Triều Tiên khá lạc hậu.

Tiêm kích MiG-29 (trái), át chủ bài của Không quân Triều Tiên đối phó với F-15K (phải) của Hàn Quốc. Ảnh: Alternathistory /Defence Talk

Năng lực tác chiến của Không quân Triều Tiên không được đánh giá cao nhưng họ sở hữu lực lượng phòng không khá hùng hậu. Trong đó có tên lửa phòng không tầm xa S-200, tầm trung Buk, Kub, S-125 hay S-75 do Liên Xô chế tạo.

Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công tên lửa phòng không KN-06 rất giống S-300 của Nga, tầm bắn 150 km. Các loại tên lửa được hỗ trợ bởi mạng lưới pháo phòng không và tên lửa vác vai dày đặc.

Theo IISS, Không quân Hàn Quốc có khoảng 571 máy bay các loại, trong đó có 60 máy bay chiến đấu đa nhiệm F-15K, 168 tiêm kích đa nhiệm F-16, 158 máy bay chiến đấu F-5E, 71 F-4 Phantom II.

4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Boeing 737 AEW, đây là khác biệt lớn nhất so với Triều Tiên, giúp kiểm soát phi đội chiến đấu tốt hơn. Ngoài ra còn có 481 trực thăng các loại.

Phòng không của Hàn Quốc cũng rất mạnh với 8 khẩu đội MIM-104 Patriot, hệ thống phòng không tầm trung KM-SAM hợp tác sản xuất với Nga cùng số lượng lớn các tên lửa phòng không tầm thấp.

Tên lửa chiến lược

Triều Tiên sở hữu kho tên lửa đạn đạo đồ sộ. Theo Trung tâm Tình báo Hàng không và Không gian Vũ trụ Mỹ, Bình Nhưỡng có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo các loại. Trong đó có khoảng 300-600 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-5/6, tầm bắn khoảng 500 km.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên (trái) có năng lực tác chiến vượt trội so với Hàn Quốc (phải). Ảnh: CNN/Sputnik

50-100 tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong, tầm bắn khoảng 1.500 km. Ngoài ra, Triều Tiên đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan tầm bắn 4.000 km, Pukguksong-2, tầm bắn 2.000 km, tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 tầm bắn 8.000 km.

Hàn Quốc cũng sở hữu một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo, tầm bắn 180 km. Gần đây, Hàn Quốc bị nghi bí mật thử nghiệm tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C tầm bắn 800 km.

Đánh giá tổng thể, quân đội Triều Tiên nắm ưu thế về quân số, kho tên lửa đạn đạo đồ sộ, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Quân đội Hàn Quốc có trang thiết bị hiện đại và có sự chống lưng của Mỹ.

Quốc Việt (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/can-can-quan-su-tren-ban-dao-trieu-tien-post737237.html