Cán cân sức mạnh Armenia và Azerbaijan trong tình hình nóng

Xin giới thiệu phần tiếp bài viết với tiêu đề trên về một điểm đang rất nóng hiện nay trên thế giới của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Ryabov Kirill.

Lục quân Armenia

Lục quân Armenia có trong biên chế 5 quân đoàn binh chủng hợp thành với thành phần là các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo binh, phòng không và các đơn vị khác. Ngoài ra, còn có 2 lữ đoàn pháo binh độc lập, một trung đoàn công binh, v.v.

Sức mạnh tấn công chủ yếu của Lục quân là các đơn vị xe tăng với 100 xe các kiểu khác nhau. Nhiều nhất là các xe tăng T-72A / B. Lực lượng xe bọc thép bộ binh có 360 xe bọc thép chở quân (BTR) và xe chiến đấu bộ binh (BMP) do Liên Xô sản xuất.

Còn có một số lượng xe vận tải MT-LB, các xe bọc thép trinh sát- tuần tiễu BRDM-2, xe công binh các loại, v.v (không có số liệu cụ thể) . Có 20 tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành "Kornet", "Konkurs" và "Shturm".

Lực lượng pháo nòng tự hành có 30 tổ hợp, phần lớn là các tổ hợp pháo tự hành 2S3 "Akatsia" cỡ nòng 152 ly Pháo kéo - hơn 130 khẩu nhiều loại khác nhau.

Lực lượng pháo phản lực có 60 tổ hợp ba kiểu; các mẫu mạnh nhất – đó là 6 tổ hợp 9K58 "Smerch".

Tổ hợp pháo tự hành “Msta-S" của Quân đội Azerbaijan

Tổ hợp pháo tự hành “Msta-S" của Quân đội Azerbaijan

Bộ đội Tên lửa Armenia có 16 tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật. Đó là 8 tổ hợp "Elbrus", 4 tổ hợp "Tochki-U" và 4 tổ hợp "Iskander-M" mới.

Các tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật này khác nhau về các tính năng và khả năng, nhưng nếu kết hợp khai thác một cách hợp lý sẽ phát huy được hiệu quả tối đa trong tác chiến.

Lực lượng phòng không của Lục quân Armenia sử dụng các mẫu vũ khí cả cũ lẫn mới do cả Liên Xô và Nga sản xuất.

Có các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Igla” và “Verba”, các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung khác nhau như “Osa”, “Kub”, v.v. Trong trang bị còn có cả những mẫu vũ khí đã trở thành của hiếm như các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 và S-125.

Các tổ hợp tên lửa “Iskander-M” của Armenia

Chiến tranh trên không

Trong biên chế của Không quân Azerbaijan chỉ có một phi đội tiêm kích MiG-29 (15 chiếc) và một trung đoàn máy bay ném bom- cường kích Su-24 và Su-25 (hơn 20 chiếc).

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng 26 máy bay lên thẳng vận tải- chiến đấu Mi-24 để tấn công các mục tiêu. Nhiệm vụ bảo đảm do 4 máy bay vận tải quân sự và 20 máy bay lên thẳng Mi-17 đảm nhiệm. Có 15 máy bay huấn luyện.

Azerbaijan đang cố gắng xây dựng một phi đội máy bay không người lái (UAV) . Cho đến thời điểm hiện tại, ít nhất đã 16-18 UAV một số kiểu được nhập khẩu và đưa vào biên chế, trong đó có những UAV có thể bay trong một thời gian dài và có thể mang vũ khí.

Tổ hợp tên phòng không S-125 “của hiếm” của Quân đội Armenia

Bộ đội Phòng không Azerbaijan cũng đang khai thác các tổ hợp S-75 và S-125 đã lỗi thời từ lâu, và một số tổ hợp “Buk-M1” mới hơn. Mẫu mới nhất trong trang bị của Bộ đội Phòng không là các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM / PMU2.

Trong năm ngoái, Không quân Armenia đã nhận 4 máy bay chiến đấu Su-30SM hiện đại, dự kiến sẽ có thêm 8 chiếc nữa trong thời gian ngắn sắp tới. Không quân chiến thuật Armenia cũng chỉ có một phi đội với 14 máy bay cường kích Su-25.

Có khoảng 10-12 máy bay lên thẳng Mi-24. Đang khai thác 4 máy bay vận tải quân sự, trong đó có 3 chiếc Il-76, và 20 máy bay lên thẳng vận tải.

Các đơn vị huấn luyện có 14 máy bay. Hiện nay Không quân Armenia cũng đang tích cực chuẩn bị xây dựng lực lượng trang bị UAV – bằng cách mua các mẫu UAV từ nước ngoài.

Lực lượng Phòng không chiến lược của Các Lực lượng Vũ trang Armenia có trong trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PT và S-300PS do Liên Xô / Nga sản xuất. Hiện chưa có một mẫu mới hơn nào.

Các con số và tiềm năng

Rất dễ dàng nhận thấy là Các Lực lượng Vũ trang Azerbaijan trội hơn so với Quân đội Armenia tính theo cả tiêu chí số lượng lẫn chất lượng. Một trong những tiền đề chủ yếu tạo nên ưu thế như vậy chính là sự khác biệt về các chỉ số kinh tế.

Cụ thể, GDP của Azerbaijan là hơn 47 tỷ đô la Mỹ, trong khi đó với Armenia, con số này thậm chí chưa tới 13,5 tỷ. Do đó, Baku có thể dành hơn 2,8 tỷ đôla cho quốc phòng, trong khi ngân sách quốc phòng của Yerevan chỉ ở mức 1,38 tỷ USD.

Máy bay tiêm kích MiG-29 của Azerbaijan

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa (tận dụng) những ưu thế về số lượng và ưu thế kinh tế như trên lại là chuyện vô cùng khó.

Trong những thập kỷ gần đây, NKR (Cộng hòa Nagorno- Karabakh tự xưng) với sự giúp đỡ của Armenia đã thường xuyên tiến hành mọi công tác chuẩn bị cần thiết bị để đánh trả một cuộc tấn công của Azerbaijan và đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ khá hiệu quả.

Một chiến dịch nhằm đột phá một hệ thống phòng ngự như vậy có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng cho bên tấn công, đồng thời cũng dẫn đến hậu quả- làm mất đi lợi thế về sinh lực và trang bị kỹ thuật.

Quân đội Quốc gia Azerbaijan không có ưu thế tuyệt đối và mang tính quyết định so với Quân đội của Armenia và của NKR.

Và kết quả sẽ là: một cuộc xung đột quy mô lớn có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao - với các trận đánh cường độ thấp trên tiền duyên và với cùng đó là những nỗ lực sử dụng các hệ thống và tổ hợp hỏa lực tầm xa để tiêu diệt mục tiêu của đối phương ở các độ sâu lớn.

Trong trường hợp này, lợi thế của các nước trước đối phương và triển vọng phát triển các sự kiện trở nên rất “tù mù”.

Cuộc chiến tranh có thể xảy ra này cũng có thể kéo theo sự tham gia của bên thứ ba. Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai tuyên bố là đã sẵn sàng hỗ trợ Azerbaijan. Về phía Armenia, theo nhiều đánh giá khác, Iran và Nga có thể sẽ giúp- mặc dù khả năng này vẫn chưa được các quan chức hai nước nói trên xác nhận.

Bằng cách này hay cách khác, sự tham gia của bất kỳ quốc gia nước ngoài nào cũng đều có thể làm thay đổi một cách rõ rệt tương quan lực lượng và mang lại cho một trong các bên tham chiến những lợi thế quan trọng.

Các Su-30SM mới nhất của Không quân Armenia

Chiến tranh hay hòa bình

Một giai đoạn tiếp theo của cuộc đối đầu vũ trang ở Cộng hòa Nagorno-Karabakh đã bắt đầu từ vài ngày trước, và trong thời gian qua, tất cả các bên đều đã phải chịu những tổn thất rất đáng kể.

Bất chấp mọi dự định và hành động, không một bên nào trong cuộc xung đột này có thể trông chờ vào một chiến thắng nhanh chóng và mang tính quyết định.

Hoàn toàn ngược lại, rất nhiều khả năng là các hoạt động chiến sự sẽ kéo dài và / hoặc bên thứ ba sẽ tham chiến- cùng với những hậu quả rất tiêu cực không thể tránh khỏi kèm theo.

Tương quan lực lượng hiện nay giữa Azerbaijan với Armenia và Cộng hòa Nagorno-Karabakh chưa được công nhận hiện nay đang ở cái ngưỡng mà việc kéo dài các trận đánh sẽ vẫn không thể làm thay đổi một cách cơ bản cục diện như đã có từ trước đến nay.

Thành thử, giải pháp tối ưu là ngừng bắn và quay trở lại tiến trình đàm phán hòa bình. Làm như vậy chắc chắn sẽ không cho phép các quốc gia nhanh chóng đạt được tất cả những kết quả mà mình mong muốn, tuy nhiên, sẽ giúp tránh được những tổn thất vô nghĩa mới.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/can-can-suc-manh-armenia-va-azerbaijan-trong-tinh-hinh-nong-3419966/