Cận cảnh bức tranh ngân sách nhà nước 9 tháng 2019

Tính đến hết quý III/2019, thặng dư NSNN ước khoảng gần 64 nghìn tỷ đồng. Ngân sách đã dành ra hơn 237 nghìn tỷ để chi trả nợ gốc và lãi.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê mới đây từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý III/2019, tổng thu NSNN ước đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, nguồn thu nội địa đến hết quý III/2019 đạt 882,4 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, tăng 11,2% so cùng kỳ. Ước tính cả nước có 53/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 74%).

Thu từ dầu thô tới hết quý III/2019 đạt 43,86 nghìn tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán, giảm 4,7% so cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tính tới hết quý III/2019 đạt 163,9 nghìn tỷ đồng, bằng 86,6% dự toán, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, tổng số thu thuế ước đạt 261,9 nghìn tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2018.

Đa số các khoản thu ngân sách đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ (ngoại trừ thu từ dầu thô và viện trợ).

Đa số các khoản thu ngân sách đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ (ngoại trừ thu từ dầu thô và viện trợ).

Thống kê cho thấy thuế thu được khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng "lấn lướt" khu vực doanh nghiệp nhà nước, đồng thời chiếm phần quan trọng trong cơ cấu nguồn thu.

Các khoản thu về nhà, đất (thuế sử dụng đất, cho thuê nhà công sản...) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn thu, chỉ còn một khoảng cách nhỏ so với nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đa số khoản thu và nhóm khoản thu đạt bằng và cao hơn mức thu bình quân chung (75,2% dự toán) thì có 4 khoản thu đạt mức khá thấp là khoản thu thuế bảo vệ môi trường,

thu từ khu vực DNNN, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh.

Thu thuế bảo vệ môi trường chỉ đạt 64,2% dự toán. Bộ Tài chính lý giải, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng xăng, dầu tiêu thụ đạt thấp (đạt 60,9% kế hoạch, giảm 3,1% so cùng kỳ).

Khoản thu từ khu vực DNNN đạt 68% dự toán. Tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh lần lượt đạt 70,8% và 71,1% dự toán.

Hơn 237 nghìn tỷ đồng trả nợ, lãi

Tổng chi NSNN tính đến hết quý III/2019 ước đạt 1.029,95 nghìn tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, chi thường xuyên vẫn là khoản chi chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi ngân sách, đạt 733,75 nghìn tỷ đồng, bằng 73,4% dự toán, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện 10.547 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán 37,5 tỷ đồng.

Trong khi chi thường xuyên có xu hướng tăng thì chi đầu tư phát triển chỉ đạt 192,1 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ.

Tính đến hết quý III/2019, ngân sách Nhà nước đã dành ra hơn 151,7 nghìn tỷ để chi trả nợ gốc (77,1% dự toán) và hơn 85,4 nghìn tỷ đồng để chi trả nợ lãi (đạt 68,4% dự toán, tăng 6,1% cùng kỳ). Như vậy, tổng cộng ngân sách đã dành ra hơn 237 nghìn tỷ để chi trả cho các khoản nợ.

Liên quan đến vấn đề chi trả nợ, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s mới đây cho biết đang đánh giá lại xếp hạng Ba3 của Việt Nam và cân nhắc hạ mức điểm tín dụng xuống. Tổ chức trên đưa ra đánh giá này sau khi nhận được tin tức một vài khoản thanh toán trả nợ của chính phủ đang bị trì hoãn.

Moody’s cho biết, dựa trên thông tin hiện có, chưa có khoản lỗ hoặc mới chỉ có khoản lỗ tối thiểu đối với các chủ nợ. Nhưng hiện tượng này có thể cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam không còn phù hợp với xếp hạng Ba3 và cần phải đánh giá lại. Việc đánh giá xếp hạng dự kiến sẽ được hoàn thành trong ba tháng tới.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã chính thức có phản hồi. Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng cho rằng Moody’s chỉ trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục.

Chi thường xuyên hiện vẫn chiếm tỷ lệ "áp đảo" trong cơ cấu chi ngân sách

Về thực hiện vốn đầu tư phát triển, theo Bộ Tài chính, sau 9 tháng, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 192 nghìn tỷ đồng, bằng 45,17% so kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,1% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung; có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Phần chi cho Giáo dục đào tạo và Khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 25% ngân sách chi thường xuyên

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/chart-can-canh-buc-tranh-ngan-sach-nha-nuoc-9-thang-2019-3523765.html