Cận cảnh Dinh thự Vua Mèo... gia tộc họ Vương được trả sổ đỏ

Theo cháu nội Vua Mèo, ông Vương Duy Bảo, mới đây UBND huyện Đồng Văn đã trả lại sổ đỏ khu Dinh thự Vua Mèo ở Hà Giang cho gia tộc họ Vương. Cùngchiêm ngưỡng lại kiến trúc tuyệt mỹ của tòa dinh thự nổi tiếng vùng biên cương này.

Trưa 22/5, trao đổi với báo chí, ông Vương Duy Bảo - cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành - cho biết, mới đây ông đã đại diện cho gia tộc họ Vương nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự Vua Mèo. Gia tộc họ Vương đã rất vui mừng khi lấy lại được cuốn sổ đỏ khu dinh thự cha ông để lại.

Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CR 513310 cho Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật Khu Nhà Vương. Những người đứng tên trong Giấy chứng nhận gồm: Ông Vàng Sia Na; ông Vương Duy Bảo; ông Vương Duy Ngọc; ông Vàng Mí Sèo; ông Vàng Sẻ Dìa; ông Vàng Chìa Phình; ông Vàng Mi Vu; ông Vàng Mí Chơ; ông Vàng Mí Nô; ông Vàng Mí Sinh; bà Vương Thị Sy; bà Vương Thị Hoa; bà Vàng Thị Mây; bà Vàng Thị Giàng; bà Vàng Thị Chờ; bà Vàng Thị Vá.

Nằm ở thung lũng Sà Phìn, cách thành phố Hà Giang 130 km về phía Bắc, khu dinh thự Vương Chí Sình hay dinh thự Vua Mèo, dinh họ Vương xưa nay được mệnh danh là một công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn. Dinh thự này được khởi công năm 1919, hoàn thành năm 1928. Một nét đặc biệt là công trình được xây dựng hoàn toàn thủ công bằng những nguyên vật liệu địa phương, trong đó đá có vai trò chủ đạo.

Các kết cầu làm bằng đá của dinh họ Vương gồm có tường bao, cổng, lối đi, nền sàn, chân tường, cột và các tháp canh, với một khối lượng đá được sử dụng rất lớn.

Cảc công trình này được ghép bằng các phiến đá do đồng bào dân tộc H'Mông ở nơi đây đục đẽo bằng tay rồi vận chuyển về từ cách đó 7 km để thi công.

Thời điểm xây dựng dinh thự, nơi đây không hề có công cụ trợ giúp, đường sá thì hiểm trở vô cùng. Do đó, quá trình xây dựng dinh thự đòi hỏi một nguồn nhân công rất lớn.

Sau khi hoàn thành, dinh thự sở hữu nhiều chi tiết bằng đá được chạm khắc cầu kỳ, mang các biểu tượng của sự phú quý, trường tồn, hưng thịnh.

Đặc sắc nhất là hai chân cột của khu nhà chính được tạo hình quả anh túc bằng đá. Đây là một sự tôn vinh cây anh túc, nguyên liệu sản xuất thuốc phiện, ngành sản xuất gia tộc Vua Mèo nằm quyền kiểm soát ở cao nguyên đá.

Tương truyền, để chế tác hai quả anh túc này, những thợ giỏi nhất ở Vân Nam thời đó đã chạm khắc rồi dùng bạc trắng Đông Dương mài cho bóng bề mặt. Để đánh bóng được một chân cột đá như thế cần đền 900 đồng bạc, tương đương với 1 tỷ đồng thời giá ngày nay.

Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền công đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên về Đồng Văn.

Ngoài hai cột đá anh túc, dinh Vua Mèo ngày nay còn lưu giữ một hiện vật bằng đá có 1-0-2. Đó là chiếc bồn tắm được chế tác từ một tảng đá nguyên khối, nặng hàng trăm kg.

Theo lời kể, chỉ có những người vợ của vua Mèo mới được sử dụng bồn, và nước tắm trong bồn không phải nước bình thường mà là sữa dê đun nóng.

Theo ước tỉnh, Vua Mèo Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương để xây dựng khu dinh thự của mình, tương đương 150 tỷ đồng hiện tại.

Do nằm trên địa thế hiểm trở và sử dụng chất liệu đá đá, tòa dinh thự kiên cố như một pháo đài, có khả năng phòng vệ và chiến đấu, chịu được sự khắc nghiệt của thời gian, thiên nhiên.

Sau gần một thế kỷ tồn tại, dinh Vua Mèo vẫn giữa được dáng vẻ uy nghiêm vốn có, trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn.

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/can-canh-dinh-thu-vua-meo-gia-toc-ho-vuong-duoc-tra-so-do-1226114.html