Cận cảnh loài lưỡng cư giống giun nhưng có nọc độc như rắn

Các nhà khoa học đã phát hiện một loài lưỡng cư kỳ lạ có ngoại hình giống giun nhưng lại mang nọc độc từ nước dãi, loài này được gọi là caecilians.

Mặc dù loài caecilians phân bố ở khắp nơi tại các vùng nhiệt đới nhưng rất khó để bắt gặp chúng. Cũng giống như giun thông thường, loài này sẽ trú ẩn sâu dưới đất. Nhà sinh vật học Carlos Jared cho rằng, phải đào đất hàng giờ mới phát hiện được caecilians.

Loài lưỡng cư này có thể dài đến 1,5m, toàn bộ cơ thể được bao phủ bởi chất nhầy bôi trơn để chúng dễ dàng di chuyển và giữ ẩm. Một điều đặc biệt đó là trong miệng của caecilians có nhiều răng mọc theo 3 vòm khác nhau và chứa đầy nọc độc.

Răng bên trong khoang miệng của caecilians.

Răng bên trong khoang miệng của caecilians.

Sau khi nghiên cứu về nọc độc của loài lưỡng cư caecilians, các nhà khoa học chỉ ra rằng nó khá giống với nọc độc của rắn. Nọc độc này được xem như một thứ vũ khí mà caecilians dùng để hạ con mồi chỉ bằng một nhát cắn.

Mặc dù vậy, loài lưỡng cư caecilians sẽ không gây nguy hiểm cho con người bởi chúng chỉ thật sự kiếm ăn dưới lòng đất. Chúng bắt các loài lưỡng cư nhỏ khác và không dùng nọc độc để phòng vệ. Tuy nhiên, sẽ không hay nếu chúng ta để cơ thể tiếp xúc với chất độc của caecilians.

Một góc chụp khác về khoang miệng của caecilians. Ảnh: National Geographic.

Caecilians được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1935, nhưng việc phát hiện nọc độc có trong răng và nước dãi của chúng là một điều thú vị chưa từng có. Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu về loài lưỡng cư giống giun kỳ lạ này.

Công Hiếu (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/video-can-canh-loai-luong-cu-giong-giun-nhung-co-noc-doc-nhu-ran-a481387.html