Cận cảnh loài so biển độc ngang cá nóc, nhiều người ăn nhầm

So biển thường bị nhầm với sam biển do có nhiều đặc điểm tương đồng, tuy nhiên trứng sam là thức ăn ngon và bổ, còn trứng loài so biển cực kỳ độc, ăn phải có thể tử vong chỉ sau vài giờ.

 So biển (sam nhỏ) còn có tên gọi là Carcinoscorpius rotundicauda, có hình hài rất giống sam biển, thậm chí nhiều khi có màu sắc tương đồng. Khác với sam biển có thể dùng làm thức ăn, so biển lại là một loài cực độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người.

So biển (sam nhỏ) còn có tên gọi là Carcinoscorpius rotundicauda, có hình hài rất giống sam biển, thậm chí nhiều khi có màu sắc tương đồng. Khác với sam biển có thể dùng làm thức ăn, so biển lại là một loài cực độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người.

So thường sống ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, nơi các lạch nước ngọt.

So sánh với loài sam thì so biển có kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Tuy nhiên vào mùa giao phối so đực và cái có thể đi cùng nhau.

Điểm khác biệt nữa là đuôi so không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn, trọng lượng khoảng 1kg.

Trong cơ thể so biển có chứa độc tố Tetrodotoxins cực kỳ nguy hiểm, tập trung chủ yếu trong buồng trứng nhưng có thể lây lan sang các bộ phận khác. Mùa so sinh sản là mùa độc tố sinh ra nhiều nhất.

Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), chất độc trong so biển nguy hiểm ngang với độc cá nóc. Mặt khác, Tetrodotoxins sẽ không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, do đó khi nấu chín, con so vẫn còn độc hại.

Tại Việt Nam, đã có nhiều vụ ngộ độc so biển do Tetrodotoxin, thường rất nặng. Chỉ cần ăn phải 1-2 miligam độc chất Tetrodotoxin, nạn nhân sẽ bị tác động mạnh lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp,…

Người ngộ độc so biển thường có triệu chứng ban đầu như tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng. Sau đó là trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ, toàn thân biểu hiện mệt, khó thở, hạ huyết áp...

Chất độc này được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10-15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ sau vài giờ sau khi ăn phải có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nếu phát hiện có dấu hiệu sớm khi nạn nhân còn tỉnh táo, cần chủ động gây nôn cho hết thức ăn ra ngoài, nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh viện để cấp cứu.

Để đề phòng ngộ độc, Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn so biển, kể cả trứng và thịt của chúng.

Mất mạng vì ăn nhầm con so biển. Nguồn: Kênh VTC16

Ngọc Quỳnh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/can-canh-loai-so-bien-doc-ngang-ca-noc-nhieu-nguoi-an-nham-1349705.html