Cận cảnh nạo vét sông Tô Lịch xuyên đêm trước khi được 'hồi sinh' đẹp như tranh vẽ?

Trước khi Hà Nội có những biện pháp cụ thể như dẫn nước sông Hồng làm sạch hay một đơn vị muốn biến Tô Lịch thành sông Thames vẫn đang gây xôn xao thì các công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội miệt mài tiến hành nạo vét lòng sông... xuyên đêm.

Đầu tháng 12 vừa qua, một doanh nghiệp trong nước vừa có đề xuất việc cải tạo sông Tô Lịch sẽ đẹp như sông Thames nước Anh. Đơn vị này đề xuất cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên; Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất.

Trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho Thành phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của Thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây. Nhà đầu tư sẽ thực hiện nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên đảm bảo nguồn nước sạch cho các sinh vật sinh sống.

Trước khi các cơ quan chức năng có những giải pháp "mạnh tay", hàng chục công nhân vẫn miệt mài nạo vét lòng sông định kỳ.

Sông Tô Lịch sẽ được kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… tạo thành hệ thống sông – hồ hài hòa (giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác xung quanh để thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố).

Đặc biệt, chiều 19/12, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học. Theo lãnh đạo đơn vị này, hồ Tây đang đối mặt với việc cạn kiệt nước và mưa là nguồn bổ sung duy nhất. Ngoài ra, theo vị này, hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, có nguy cơ biến thành hồ chết nếu không được cải thiện.

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, việc bổ cập nước hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch là rất cần thiết. Được biết, một số nhà khoa học thống nhất với việc lấy nước từ sông Hồng để bổ cập nước hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch.

Trước khi các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch được triển khai, hiện tại các công nhân vẫn phải miệt mài nạo vét sông định kỳ để đảm bảo dòng chảy cũng như hạn chế được ô nhiễm.

Thời gian gần đây dọc sông Tô Lịch đoạn từ Bưởi đến Cầu Giấy, hàng chục công nhân cùng nhiều phương tiện máy móc tiến hành nạo vét lòng sông vào mỗi đêm.

Thời gian gần đây dọc sông Tô Lịch đoạn từ Bưởi đến Cầu Giấy, hàng chục công nhân cùng nhiều phương tiện máy móc tiến hành nạo vét lòng sông vào mỗi đêm.

Phương tiện máy móc được sử dụng phần lớn các công đoạn nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy.

Theo các công nhân cho biết, việc đưa máy móc thực hiện các công đoạn nạo vét lòng sông giúp giải phóng công lao động cũng như sức giảm thiểu ảnh hưởng từ sự ô nhiễm đáng báo động từ sông.

Có nhiều thời điểm trong năm, hàng chục công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phải trầm mình dưới lòng sông để nạo vét.

Ở thời điểm hiện tại, dù đưa nhiều máy móc để thực hiện việc nạo vét lòng sông, thế nhưng có nhiều công đoạn công nhân phải thực hiện trực tiếp dưới dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

"Dù có quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang nhưng với sự ô nhiễm nghiêm trọng của sông thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng đến cơ thể khi làm việc lâu dưới nước. Tuy nhiên, có lẽ do công việc cũng quen rồi nên chúng tôi thấy bình thường", một công nhân chia sẻ.

Dọc bờ sông, hàng chục xe hút chất thải cắm trực tiếp vòi rồng xuống lòng sông thực hiện việc nạo vét dưới sự điều khiển của công nhân.

Các công nhân cho biết, dù đơn vị liên tục có kế hoạch nạo vét bùn đất, chất thải định kỳ nhưng do người dân thải ra sông mỗi ngày quá nhiều nên không xuể.

Trong khi đó, các giải pháp như đưa nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch hay biến dòng sông "chết" thành sông Thames ở nước Anh vẫn đang được bàn bạc.

Nếu trong ít năm tới cơ quan chức năng thực hiện được những điều trên chắc chắn hàng triệu người dân đang sinh sống tại Hà Nội sẽ vô cùng mừng vui.

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những công nhân nạo vét sông Tô Lịch trong đêm đông giá lạnh trước khi tiếp tục công việc.

Mộc Trà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/can-canh-nao-vet-song-to-lich-xuyen-dem-truoc-khi-duoc-hoi-sinh-dep-nhu-tranh-ve-20181221004215115.htm