Cận cảnh nhà ga trung chuyển hiện đại bậc nhất tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Ga Cầu Giấy thuộc tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội là nhà ga trung chuyển hiện đại bậc nhất trên toàn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Nằm trên đường Cầu Giấy, đối diện Đại học Giao thông vận tải, ga Cầu Giấy là ga trung chuyển có vai trò quan trọng bậc nhất trên toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn từ Nhổn-ga Hà Nội.

Về hình thức, nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình. Bao quanh nhà ga là thảm cây xanh, được trồng và tưới nước tự động, hoa giấy là loại được lựa chọn phù hợp với thời tiết Hà Nội và luôn nở rộ.

So với các ga khác, ga Cầu Giấy khá "đặc biệt" khi nằm ở nút giao thông đặc biệt quan trọng. Đây cũng là ga có số lượng cầu thang nhiều nhất, vừa thuận tiện cho việc di chuyển cũng như bảo đảm an toàn thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao nằm trên dải phân cách đường bộ, được hỗ trợ bằng 572 phiến dầm hình chữ U làm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Những phiến dầm này có chiều dài 25m, chiều rộng 5,2m, với trọng lượng lên đến 157 tấn.

Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Mặt bên của công trình nhà ga có sự kết hợp hài hòa giữa thảm cây xanh, hệ lam hắt chống nắng bằng vật liệu nhôm đúc nguyên khối và các tấm kim loại không gỉ đã được gia công tạo hình đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng của nhà ga.

Mái nhà ga có kết cấu dạng chữ V với độ dốc tương đối lớn để có thể “tự làm sạch” khi trời mưa. Độ dốc lớn giúp việc bảo dưỡng trở nên đơn giản hơn, tránh được sự lắng đọng nước, bảo vệ mái khỏi việc ngấm và rò rỉ.

Hệ kính mái được lựa chọn là loại kính cản nhiệt, chống tia UV đảm bảo việc cấp ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, bảo vệ sức khỏe (làn da) cho hành khách khi đứng đợi, lên xuống tàu ở tầng ke ga.

Nhà ga được thiết kế với 2 tầng: Tầng mặt đất, nơi hành khách bắt đầu tiếp cận các cầu thang để lên trên ga, nơi bố trí máy phát điện dự phòng, hệ thống bơm cấp nước phục vụ sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra còn có Tầng trung chuyển - được chia làm hai khu vực riêng biệt: khu vực hành khách mua, soát vé, các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách và khu vực kỹ thuật điều hành hoạt động nhà ga; Tầng ke ga - nơi khách đợi, lên tàu, đi kèm với hệ thống chỉ dẫn các thông tin cho hành khách, hệ thống kiểm soát an toàn phục vụ vận hành.

Hệ thống thu vé và bán vé được lắp đặt hoàn thiện tại tầng trung chuyển của 8 ga trên cao.

Hành khách có thể sử dụng thẻ từ mua theo tuần, tháng hoặc quý. Ngoài ra cũng có thể dùng token nếu không đi thường xuyên.

Tiếp đến, hành khách sẽ đi qua cửa kiểm soát được thực hiện bằng hệ thống kiểm soát tự động. Nếu thẻ/vé hợp lệ, cửa sẽ tự động mở cửa để hành khách đi qua. Hành khách đi theo biển chỉ dẫn đúng hướng tàu theo lịch trình và di chuyển lên khu vực đợi tàu. Chú ý giữ lại thẻ/vé để lặp lại các bước soát thẻ/vé một lần nữa tại ga đến.

Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, bao gồm: ga Nhổn, ga Minh Khai, ga Phú Diễn, ga Cầu Diễn, ga Lê Đức Thọ, ga Đại học Quốc gia, ga Chùa Hà, ga Cầu Giấy. Không chỉ đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật, mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô.

Các chi tiết: Đường ray, hệ thống báo cháy, cầu thang, hệ thống cửa tự động, hệ thống sơ đồ, biển báo trên ga, thang máy, quầy bán vé...

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-ga Hà Nội) dài 4km. Dự án kỳ vọng sẽ giảm tải ùn tắc giao thông và còn là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc khu vực phía Tây thành phố Hà Nội.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/anh-can-canh-nha-ga-trung-chuyen-hien-dai-bac-nhat-tuyen-duong-sat-do-thi-ha-noi-post769564.html