Cận cảnh những cổ vật vàng son một thuở

Bên cạnh sách vở, thơ văn, cổ vật góp phần không nhỏ trong việc hoàn thiện những mảnh ghép lịch sử.

Với mong muốn lan tỏa những thông điệp từ quá khứ, nhóm tác giả Huỳnh Thanh - Huỳnh Anh Khang - Nguyễn Võ Trụ đã cho ra đời cuốn sách Vàng son một thuở. Cuốn sách không chỉ giới thiệu hàng trăm cổ vật, mà còn cung cấp cho chúng ta một góc nhìn vào cuộc sống của một thời vàng son.

Mỗi cổ vật trong cuốn sách đều mang dấu tích của quá khứ. Có những cổ vật là biểu tượng cho quyền lực của hoàng gia, quan lại. Cũng có những cổ vật được lưu hành từ tầng lớp quý tộc cho đến bình dân xưa như: chạm bạc, đồ ngà, đồ sơn son thếp vàng, đồ gỗ chạm, pháp lam, đồ sứ… Trong ảnh là ấn rồng của vua Tự Đức được làm bằng chất liệu ngà voi châu Á. Ấn được làm vào tháng 6 năm Tự Đức thứ hai mươi sáu. Ấn có chiều cao 6,5 cm, dài 5,6 cm, rộng 5,6 cm, nặng 150 g, chạm hình rồng ngồi cuộn mình đầu đối thẳng hơi ngước lên, chân choãi, toát ra được vẻ oai nghiêm, uy dũng.

Ấn Ngự tiền chi bảo, được tạo tác dưới thời Đồng Khánh, thay thế cho Kim Bảo Ngự tiền chi bảo đúc thời Gia Long, do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi mang đi vào năm 1885. Ấn được làm từ chất liệu ngà voi châu Á, có chiều cao 6,8 cm, chiều dài 7,6 cm, chiều rộng 6,9 cm, cân nặng 350 g. Ấn có tạo hình kỳ lân dáng thong dong, một chân co lên và ba chân chạm bệ hình bầu dục. Mặt linh vật này được điểm nhãn bằng hổ phách có màu nâu đỏ. Trên đỉnh đầu chạm chữ Vương.

Tư ấn giải trãi được làm từ chất liệu ngà voi châu Á. Ấn có chiều cao 8,9 cm, chiều dài 4,6 cm, chiều rộng 3,5 cm, cân nặng 140 g. Ấn khắc giải trãi (thần thú đứng đầu trong 5 loại linh thú thuộc bộ kỳ lân). Nhìn vào thể thức, theo các tác giả sách đây là “tư ấn” của quan lại triều Nguyễn, có thể là Hình Bộ.

Đứng sau vàng về giá trị, bạc được ưa chuộng ở khắp mọi nơi từ cung đình, giới thượng lưu cho tới mọi tầng lớp nhân dân. Dưới triều Nguyễn nghề chạm bạc phát triển và được coi là tinh hoa nghệ thuật. Trong ảnh là ống hút bạc chạm hình tượng Tứ linh, đặc biệt với rồng 5 ngón đuôi xoắn đặc trưng thời Nguyễn.

Cơi trầu và ống vôi bỏ túi bạc chạm, thế kỷ XIX, với đường nét tinh xảo thể hiện rõ phẩm chất của món đồ.

Tráp gỗ trắc cẩn song phụng thế kỷ XIX. Tráp có kích thước 27 cm, cao 11 cm, nặng 1,8 kg. Tráp được làm từ gỗ trắc, viền trên của tráp được làm gồ ra và ốp viền bằng đồng bạch. Tráp có mật độ cẩn ốc dày hơn nhiều đồ vật khác. Đồ án song phụng chầu Thọ cùng với 4 chữ “Phú Quý Khang Ninh” trên hộp tạo thành lời khánh chúc thường thấy trong các đề tài cung đình.

Lồng chim xứ Huế, có niên đại thế kỷ XIX. Lồng cao 97 cm, chiều rộng mặt chính diện 43 cm, chiều rộng mặt bên 25,5 cm, nặng 3,2 kg. Lồng chim được tạo thành hình dáng một cung điện với lối mái cong 2 tầng, 8 mái. Đồ án tứ linh thể hiện nét văn hóa đậm chất Việt, mang ý nghĩa phúc trạch dư đầy.

Hộp sách phong sơn son thếp vàng triều Nguyễn. Hộp cao 6 cm, chiều dài nắp 28 cm, chiều rộng 20 cm, cân nặng 800 g. Hộp dùng đựng thư tịch cổ có thể bằng vàng bạc hoặc lụa nên được gia công và xử lý họa tiết được làm một cách lề lối, đạt chuẩn Đồ án long mã cõng hà đồ đạp mây nổi bật trên nền thẳm của sơn ta biểu trưng nét vương giả, uy dũng thường dành riêng cho nam nhân.

Ấm pháp lam Minh Mạng. Ấm có chiều cao 20 cm, vòng bụng ấm 12,8 cm, cân nặng 450 g. Ấm dùng màu chánh hoàng làm chủ đạo, họa tiết “long phụng đằng vân” với rồng năm đuôi xoắn uy quyền được thếp vàng trên từng chiếc vảy, chim phụng hàm kinh thư. Ngoài ra các linh vật đang thoải mình trên nền xanh thẳm của trời cùng mây dáng như ý.

Đỉnh đồng tam khí dáng vuông triều Nguyễn, chiều cao 53 cm, chiều rộng 31 cm, cân nặng 11 kg. Đỉnh thường dùng để đốt xông trầm, xông hương. Hình ảnh lân hí được đúc liền với nắp bên hoa văn hồi văn móc câu trên nắp đỉnh được đúc thông để nhả khói.

Tủ gỗ chạm tứ linh sơn thế kỷ XIX. Tủ có kích thước bé (cao 48 cm, bề ngang mặt chính diện 33 cm, bề ngang mặt bên 27 cm, kết cấu 2 cửa mở lớn) nhưng lại có các mặt được chạm tinh xảo. Đặc biệt các đồ án linh vật được chạm đối xứng nhau, phân rõ thiên - hạ thổ.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-canh-nhung-co-vat-vang-son-mot-thuo-post1427142.html