Cận cảnh 'sống khổ' trong các vùng di tích Huế

Hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân phải sống 'treo', 'sống khổ', sống trong sợ hãi bên trong những ngôi nhà mục nát, hay những căn lều dựng tạm chênh vênh trên Thượng thành bao quanh Kinh thành Huế.

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà mục nát, nơi người dân vẫn hàng ngày làm nơi ở, trong vùng di tích Cố đô Huế chưa được di dời, giải tỏa

Không khó để bắt gặp những ngôi nhà mục nát, nơi người dân vẫn hàng ngày làm nơi ở, trong vùng di tích Cố đô Huế chưa được di dời, giải tỏa

Sáng 20/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, theo yêu cầu từ UBND tỉnh TT-Huế, đã tổ chức đoàn khảo sát thực địa khu vực giải tỏa trong khuôn khổ Dự án di dời giải tỏa các hộ dân khu vực Kinh thành Huế, với sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông, các sở ngành chức năng.

Đây chính là những nơi mà hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân phải sống “treo”, “sống khổ”, sống trong sợ hãi bên trong những ngôi nhà mục nát, hay những căn lều dựng tạm chênh vênh trên Thượng thành bao quanh Kinh thành Huế.

Lối vào cung phủ vàng son xưa giờ trở nên hoang phế

Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khu vực Kinh thành Huế có quy mô diện tích hơn 500 ha, thuộc 4 phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận.

Bản thân Kinh thành Huế là công trình di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự; được quy hoạch và xây dựng trong thời gian 30 năm (tháng 5/1803 đến tháng 5/1832), bao gồm nhiều hạng mục như Hộ Thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu (pháo đài), Kỳ Đài, Trấn Bình đài và 10 cổng thành…

Ngôi nhà chờ sập, với những cư dân đã 'sống khổ' tại đây sắp gần hết một đời người

Hơn 130 năm kể từ khi triều đình Huế ký Hiệp ước Patenôtre vào năm 1884 để quân Pháp vào đóng ở đồn Mang Cá (bên trong Kinh thành) và sau đó dần mất đi chủ quyền, việc bảo trì Kinh thành ngày càng sa sút, thiếu sự quan tâm của triều đình. Tình trạng này tiếp diễn sau khi nhà Nguyễn mất đi vai trò lịch sử của mình vào năm 1945.

Kể từ thời điểm đó, khi Kinh đô Huế nói chung và Kinh thành Huế nói riêng trở thành di tích, Kinh thành Huế ngày càng hư hỏng dần do nhiều yếu tố: thiên tai, chiến tranh, sự tác động của con người. Tại nhiều điểm di tích, dân địa phương tự động lấn chiếm dần mặt bằng công trình kiến trúc, xây dựng nhà ở, mở vườn, trồng hoa màu không chỉ trong Thành nội, ngoài thành giai, trên mặt hào, mà còn tác động ngay trên Thượng thành, trong lòng các pháo đài và trên tuyến phòng lộ…

Qua hàng chục năm quần cư trong vùng di tích, một phần do điều kiện lịch sử để lại về bố trí nơi ở, cũng như phần lớn tự phát lấn chiếm di tích làm nơi cư ngụ, hàng nghìn hộ dân hiện trong cảnh sống “treo”, “sống khổ”, sống trong sợ hãi bên trong những ngôi nhà mục nát, hay những căn lều dựng tạm, do vướng đất di tích hạng đặc biệt không thể xây mới, sửa chữa nhà cửa. Đa số các hộ dân mong muốn tháo gỡ khó khăn này, trong đó có nguyện vọng di dời, tái định cư.

Từ Thượng thành hoang phế nhìn xuống Hộ thành hào ngập đầy rác

Mới đây, UBND tỉnh TT-Huế giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các sở ngành chức năng, địa phương liên quan xúc tiến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I di tích Kinh thành Huế, thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế, để sớm thông qua các bộ, ngành chức năng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện.

Được biết, đây là đề án thực hiện theo nội dung Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 28/KH-UBND của UBND tỉnh TT-Huế về tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh TT-Huế hồi cuối năm 2017.

Hiện khu vực 1 kinh thành Huế có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống. Do sống trong khu vực không được tu sửa, nâng cấp, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình đồi dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó, sống trong nhà tạm bợ nên các điều kiện về vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Ngoài ra, có đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh xuống cấp.

Dự kiến, từ năm 2019 đến 2025, tại Huế sẽ có hai cuộc di dân lịch sử với hơn 4.200 hộ ra khỏi các vùng di tích Cố đô, với tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.

Dưới đây là những hình ảnh cuộc người dân Huế sống trong những khu ổ chuột, những ngôi nhà “chị Dậu” chờ sắp sập, vốn từng là cung phủ vàng son một thuở:

Đây có lẽ là ngôi nhà xưa triều Nguyễn hiện phải phủ nhiều loại tấm lợp chống mưa nắng nhất xứ Huế

Gạch ngói, vôi vữa nhà cổ hoang phế rơi vãi xuống những chân cột chống tạm cho ngôi nhà sắp sập

'Chị Dậu' thời hiện đại sinh sống bên trong một ngôi nhà chờ sập

Chiếc chậu hứng nước mưa là đồ vật không thể thiếu trong nhà 'chị Dậu" vùng di tích

Toàn bộ vật dụng trong ngôi nhà chờ sập của "chị Dậu" phải phủ bạt chống nước dột suốt từ tháng này qua năm khác để

Ngôi nhà Khâm Thiên giám (khí tượng thủy văn) xưa, giờ là phế tích nằm tại khu Lục Bộ triều Nguyễn

Nhà Thượng thư Bộ Công cũng chả khá hơn là bao

Những cảnh buồn, nhếch nhác, sống tạm bợ trên di tích Thượng thành Huế

Một đoạn lan can Thượng thành xây bằng gạch vồ giờ đã vỡ nát, trở thành 'cửa sau' của một nhà dân vắt vẻo sống trên cao

Người dân mong sớm thoát cảnh bắt thang lên sống Thượng thành như thế này

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-canh-song-kho-trong-cac-vung-di-tich-hue-1336336.tpo