Cận cảnh tàu sân bay Mỹ tập trận gần bán đảo Triều Tiên

Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ngày 14-11 đang tiến hành cuộc tập trận chung ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên với các tàu chiến của Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa bối cảnh căng thẳng ở khu vực này vẫn đang leo thang.

Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz hiện đang tập trận ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 11-11 và kết thúc vào hôm nay 14-11 với sự tham gia của một số tàu chiến của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên ba tàu sân bay lớn của Mỹ tập trận cùng nhau trong vòng một thập niên. Lần cuối cùng ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận cùng nhau là vào năm 2007 ở khu vực ngoài khơi đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Hai máy bay ném bom B-1B và hai máy bay tấn công F/A-18 tháp tùng tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật Bản (trước) và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: CNN

Hai máy bay ném bom B-1B và hai máy bay tấn công F/A-18 tháp tùng tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật Bản (trước) và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: CNN

Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật-Hàn đã bị Triều Tiên chỉ trích kịch liệt. Trong lá thư gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutteres, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Ja Song-nam hôm nay khẳng định rằng cuộc tập trận chung giữa ba tàu sân bay Mỹ với tàu chiến Hàn Quốc, Nhật Bản “đang khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết”.

Tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: CNN

Tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: CNN

Bức thư được các hãng truyền thông lớn của Mỹ như AP và Reuters đăng tải. Trong thư, ông Ja Song-nam chỉ trích Washington đang “điên cuồng tiến hành các cuộc tập trận chiến tranh bằng cách phô diễn các thiết bị chiến tranh hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên”. Theo ông, “việc này chứng minh chính Mỹ là tội phạm chính làm leo thang căng thẳng và phá hoại hòa bình” của bán đảo.

Đại sứ Triều Tiên cũng khẳng định trước các bài tập quân sự của Mỹ, Bình Nhưỡng có quyền xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình.

Máy bay F/A-18E Super Hornet được triển khai trên tàu USS Theodore Roosevelt. Ảnh: CNN

Máy bay F/A-18E Super Hornet được triển khai trên tàu USS Theodore Roosevelt. Ảnh: CNN

Trong khi đó, chính quyền Washington tuyên bố sự hiện diện ba đội tàu sân bay ở vùng biển Thái Bình Dương được xem như tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ không bị các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đe dọa.

“Cuộc tập trận ở phía Tây Thái Bình Dương là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng độc đáo của Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như là lời khẳng định đanh thép cho cam kết tiếp tục duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực của chúng tôi” - Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố.

Tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (trước) và nhóm tàu khu trục của Mỹ ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Ảnh: CNN

Tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (trước) và nhóm tàu khu trục của Mỹ ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Ảnh: CNN

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này đã triển khai hai tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis cũng như năm tàu chiến khác tham gia vào cuộc tập trận với Mỹ. Trong khi đó, phía Nhật Bản có sự tham gia của ba tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.

AN MIÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/can-canh-tau-san-bay-my-tap-tran-gan-ban-dao-trieu-tien-739545.html