Cần chấm dứt cơ chế 'xin – cho' đối với doanh nghiệp nhà nước

DNNN cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật DN, Luật đầu tư quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp… trong đó đề cao tính thị trường. Theo chuyên gia, 'xin - cho' thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực.....

Theo quy định, nhiều DNNN sau khi đã cổ phần hóa phải thực hiện các quy chế hoạt động theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, có thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn xin cơ chế từ Nhà nước hay các bộ, ngành vẫn còn “bao bọc”, tạo ra những cạnh tranh không bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác.

Chia sẻ tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Từ trước doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Thêm đó, môi trường đầu tư kinh doanh có phần chưa thật sự bình đẳng, thực tế DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi về số mặt như đất đai, vốn… Một lý do nữa, nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu, thua lỗ kéo dài không giải quyết được nên vẫn trông vào nhà nước hỗ trợ.

Cần chấm dứt cơ chế “xin – cho” đối với doanh nghiệp nhà nước. Ảnh minh họa

Liên quan đến việc Tập đoàn hóa chất (Vinachem) vừa kiến nghị xin sửa Luật thuế để áp thuế cao hơn đối với phân đạm nhập khẩu để giá thành phân đạm của Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, tạo điều kiện cho Vinachem xử lý các doanh nghiệp yếu kém. DNNN cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật DN, Luật đầu tư quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp… trong đó đề cao tính thị trường, vậy vì sao vẫn còn những đề xuất như Vinachem, trong quá trình cổ phần hóa thoái vốn sau này làm sao để không còn những đề xuất đó?

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, khi đã có luật dứt khoát phải làm theo luật. Do đó cần phải kiên quyết khắc phục tình trạng không làm theo luật. Không chỉ về phía doanh nghiệp mà cả về phía các cơ quan quản lý cần phải nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này. Cần chấm dứt cơ chế “xin - cho”. “Xin – cho” thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là kiên quyết thực hiện thị trường dân chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc giải quyết những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và trong việc thực hiện cổ phần hóa. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp phải triệt để chấp hành, cần phải có những giải pháp xử lý”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng: Vấn đề Vinachem đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, sản xuất phân bón. Đây là một trong những ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong Hiệp hội phân bón của Việt Nam. Không chỉ có mỗi Vinachem nêu mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh, vì vậy chúng ta cần rà soát kỹ. Nếu việc tăng thuế này đem lại lợi ích cao hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo đúng định hướng công nghệ cao và công nghệ sạch, thì chúng ta cần xem xét đánh giá tác động để ủng hộ.

Cũng theo ông Tiến, vấn đề này được bàn rất nhiều và trong Hiệp hội phân bón cũng đã nêu. Đối với Tập đoàn hóa chất hiện nay có 4 dự án sản xuất đang khó khăn, thua lỗ, việc cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp này phải tôn trọng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng theo Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội đó là theo cơ chế thị trường. Có nghĩa, đầu tiên phải cắt giảm chi phí, đổi mới lại cách quản trị, những gì không hơp lý phải bỏ. Thứ hai, giá thành sản xuất phải có sức cạnh tranh, nếu sản xuất ra không bán được thì phải dùng biện pháp khác mạnh hơn, chứ không chỉ giải pháp về thuế. Thuế chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ chung và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Luật đã quy định, tất cả các thành phần kinh tế phải hoạt động bình đẳng theo luật.

“Đối với phân bón hóa chất, đó là một trong những tiếng nói chung của các hiệp hội phân bón. Tuy nhiên đối với hóa chất, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề căn cơ. Căn cơ nhất là phải soi lại mình có gì chưa trọn vẹn, chưa đúng thị trường, còn bao cấp không, cái gì đang trông chờ nhà nước thì bỏ ngay, tập trung nhìn thẳng vào sự thật”, ông Tiến nhấn mạnh.

Với những giải pháp Chính phủ đưa ra và kiên quyết phải theo thị trường, trong 4 doanh nghiệp có 2 doanh nghiệp của hóa chất hoạt động có hiệu quả, đã có lãi; 2 doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục cần phải cơ cấu lại.

“Cần phải quán triệt tư tưởng nhận thức của Nghị quyết Đảng, Nghị quyết Quốc hội là các doanh nghiệp nhà nước phải đi theo thị trường. Nếu không làm được, không cạnh tranh được với thành phần kinh tế tư nhân thì hãy lui lại, giải phóng nguồn lực của mình để cho thành phần kinh tế khác phát triển. Đấy là tinh thần mà Hội nghị tới đây phải quán triệt tiếp để các lãnh đạo DNNN hiểu vấn đề đó để chúng ta thực sự phải đổi mới theo cơ chế thị trường”, ông Tiến nói thêm.

Minh Thư

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/can-cham-dut-co-che-xin-cho-doi-voi-doanh-nghiep-nha-nuoc-post277676.info