Cần chấn chỉnh hoạt động du lịch trên Hải Vân quan

Trên đường thiên lý Bắc Nam, đèo Hải Vân nổi tiếng là một thắng cảnh. Ở đây có rừng xanh, biển biếc, có di tích lịch sử gợi trí tò mò của du khách trong và ngoài nước. Vì thế, thông qua các loại hình du lịch đường biển, đường hàng không và đường bộ, khách du lịch là người nước ngoài đến đây tham quan, chụp ảnh, mua đồ lưu niệm… mỗi ngày lên tới hàng ngàn lượt.

Hướng dẫn viên chui (X) đang thuyết minh cho khách TQ tham quan Hải Vân quan.

Tuy nhiên, do đỉnh Hải Vân là điểm giáp ranh giữa hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế nên việc quy hoạch cũng như định hướng phát triển thành điểm du lịch gặp phải nhiều khó khăn. Trên đỉnh đèo chỉ có người dân của P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lên đây kinh doanh phục vụ khách du lịch. Hiện tại, ở 2 địa phận có 10 ki-ốt (Đà Nẵng: 6, Thừa Thiên Huế: 4) chuyên kinh doanh các mặt hàng đồ lưu niệm và giải khát bãi đỗ xe hoàn toàn tự phát, không đảm bảo an toàn giao thông cho du khách… Bên cạnh đó, việc quản lý, tổ chức cho khách tham quan vẫn còn nhiều bất cập. Các tour du lịch đưa khách đến đây tham quan gần như được tổ chức theo kiểu tự phát. Ngày 20-8-2018, có mặt trên Hải Vân quan để ghi nhận sự việc.

Theo quan sát của chúng tôi, khách Trung Quốc chiếm số lượng khoảng 90%, các xe vận chuyển khách cũng được ghi bảng bằng chữ Trung Quốc và tuyệt nhiên không có bóng dáng hướng dẫn viên (HDV) Việt Nam. Ngoài ra, do không được quản lý chặt chẽ nên tình trạng chèo kéo khách, đánh nhau giữa các chủ quán đã xảy ra. Cụ thể, ngày 19-8-2018 do mâu thuẫn trong việc buôn bán, gia đình chủ quán Đặng Gia kéo sang hành hung người của quán Bình Châu… Tìm hiểu về chuyện HDV người nước ngoài "tự tung, tự tác" trên Hải Vân quan, một người bán hàng (xin được giấu tên), cho biết: Do không có lực lượng kiểm tra, tổ chức tham quan… nên các HDV chui tự do hoạt động và họ thuyết minh như thế nào về di tích cũng chẳng ai biết…

Ngày 21-8-2018, làm việc cùng chúng tôi, ông Trường Công Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Q. Liên Chiểu, trao đổi: Để lập lại trật tự trên lĩnh vực du lịch và đảm bảo ANTT trên Hải Vân quan, ngày 30-10-2017, UBND quận quyết định thành lập Ban Quản lý di tích và du lịch Hải Vân quan và năm 2018 thành lập tổ ANTT, gồm lực lượng Bộ đội Biên phòng, CAP Hòa Hiệp Bắc… Tuy nhiên, về công tác quản lý đối với hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài, địa phương Liên Chiểu vẫn chưa thực hiện tốt. Về tình hình ANTT có những diễn biến phức tạp là do TT Lăng Cô cho một số đối tượng thuê đất, dựng quán nhưng chưa có biện pháp quản lý. Gần như địa phương bạn "khoán trắng" công tác đảm bảo ANTT cho P. Hòa Hiệp Bắc. Nhưng pháp luật quy định, vụ việc xảy ra ở địa phương nào phải do địa phương đó thụ lý, giải quyết nên các cơ quan chức năng của Q. Liên Chiểu không có quyền giải quyết những vụ việc xảy ra trên đất của Thừa Thiên-Huế. Cũng theo ông Hiếu, để lập lại trật tự trên lĩnh vực ANTT và ngăn chặn tình trạng HDV chui người nước ngoài, sắp đến các cơ quan chức năng ở Liên Chiểu sẽ tham mưu cho Sở Du lịch TP Đà Nẵng làm việc cùng Trung tâm bảo tồn cố đô Huế (đơn vị quản lý Hải Vân quan do UBND Thừa Thiên-Huế phân công) để có sự phối hợp chặt chẽ nhằm quản lý, khai thác hết tiềm năng về du lịch của di tích.

Theo chúng tôi, thời gian qua tình trạng HDV người nước ngoài hoạt động trái phép đã làm hàng trăm HDV Hoa ngữ là người Việt Nam tại Đà Nẵng bị thất nghiệp và còn bịa đặt, xuyên tạc đối với lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, để khai thác hết tiềm năng vốn có của Hải Vân quan, các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng cần áp dụng một số giải pháp, như: xây dựng một số hạng mục về cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch; tổ chức sắp xếp lại các hàng quán nhằm tránh tình trạng chèo kéo khách, đánh nhau gây mất ANTT; quản lý chặt chẽ, không để các HDV chui có cơ hội hoạt động và bán vé tham quan để tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân...

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_194363_can-chan-chinh-hoat-dong-du-lich-tren-hai-van-quan.aspx