Cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Trong bối cảnh việc thực hiện các dự án chợ, trung tâm thương mại (TTTM) còn chậm, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho hệ thống chợ nông thôn hạn chế... UBND tỉnh Ninh Bình đang đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý chợ để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển kinh doanh khai thác chợ.

Chợ Rồng Ninh Bình. Ảnh: T.A

Chợ Rồng Ninh Bình. Ảnh: T.A

110 tỷ đồng vốn lũy kế cho đầu tư xây dựng, cải tạo chợ

Theo thống kê, tổng số chợ hiện có trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 109 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối (Kim Đông), 3 chợ hạng II, 106 chợ hạng III. Theo quy hoạch đến năm 2025 sẽ xây mới 11 chợ, xóa bỏ 5 chợ, di chuyển 4 chợ. Tổng số đến năm 2025 sẽ có 115 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 3 chợ hạng II, 109 chợ hạng III.

Trong khi đó, số TTTM hiện có 2, quy hoạch đến năm 2025 xây mới 7 TTTM, nâng tổng số loại hình này lên con số 9 trên các địa bàn huyện, thành phố.

Tính riêng về lĩnh vực đầu tư xây dựng thì theo thống kê từ năm 2007 đến nay, Ninh Bình được đầu tư 2 dự án TTTM hạng III, 8 dự án siêu thị với tổng diện tích đất thương mại dịch vụ là 47.000m2. Trong đó, có 1 siêu thị hạng I, 2 siêu thị hạng II và 6 siêu thị hạng III. Các dự án đầu tư xây dựng TTTM, siêu thị đều được đầu tư từ nguồn vốn của DN.

Lưu lượng hàng hóa tiêu dùng trao đổi chủ yếu vẫn được thông qua mạng lưới chợ chiếm từ 75 - 80% ở khu vực nông thôn và chiếm 50 - 55% ở khu vực thành thị. Qua hệ thống TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm 20%, còn lại là trao đổi qua các hệ thống giao dịch khác.

Đối với chợ mới và cải tạo nâng cấp chợ cũ, đến nay, đã có 47 dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, có 8 dự án có nguồn xã hội hóa, còn lại được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, những chợ này chủ yếu là chợ loại III ở khu vực nông thôn, phục vụ cho nhu cầu dân sinh đầu tư kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng số vốn đầu tư tính lũy kế đến nay là 110 tỷ đồng.

Đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Theo đánh giá của tỉnh Ninh Bình về cơ sở thương mại được đầu tư từ nguồn vốn của DN: TTTM và những chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý, DN kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế và phải trả tiền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước áp dụng cho từng địa bàn.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2018 của Thanh tra Chính phủ có nội dung thanh tra liên quan tới việc thực hiện quy hoạch, xây dựngTTTM, chuyển đổi chợ giai đoạn 2007 - 2017 tại tỉnh Ninh Bình

Nhìn chung, những cơ sở kinh doanh này đều được chỉnh trang, cải tạo nâng cấp khắc phục những yếu kém về cơ sở vật chất và phát huy tốt công năng của chợ, TTTM. Những chợ còn lại của Nhà nước, hầu hết là giao khoán cho cá nhân hoặc tổ quản lý không trả tiền thuê đất, việc quản lý tài sản của Nhà nước trong chợ còn lỏng lẻo, việc thu thuế, phí chợ còn chậm, chưa kiên quyết trong việc xử lý vi phạm nội quy chợ, các tuyến đường, lối đi vào chợ bị lấn chiếm, trong khi một số quầy sạp bị bỏ trống...

Bên cạnh đó, tiến độ việc triển khai thực hiện các chợ, TTTM còn chậm, do nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho hệ thống chợ nông thôn rất hạn chế, việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa thông qua việc chuyển đổi mô hình quản lý sang DN còn gặp nhiều khó khăn cho nhà đầu tư vì thủ tục còn phức tạp, đặc biệt là sự đồng thuận của các tiểu thương tại chợ.

Bởi vậy, tỉnh Ninh Bình đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình quản lý chợ để thu hút các DN đầu tư phát triển kinh doanh khai thác chợ như chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn...

Tràng An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/can-chinh-sach-ho-tro-chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-cho_t114c1067n136389