Cần chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm

Không chỉ cần chính sách cụ thể hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, không có việc mà cần thêm những trợ lực đối với doanh nghiệp để họ giữ chân lao động, hy vọng một hai quý tới đơn hàng quay trở lại.

Trước việc cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy giảm, mất việc làm.

Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến cuối tháng 11 vừa qua, cả nước có hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc.

Trong đó, hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh, là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh vì chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.

Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…); chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…

Trước thực trạng trên, ông Phan Văn Anh cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động có những giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Cụ thể, Tổng liên đoàn Lao động chỉ đạo công đoàn cấp trên nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn cấp trên nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời với người lao động

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn cấp trên nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời với người lao động

Tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng, công đoàn cơ sở, với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đã tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

Báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.

Đồng thời, kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Anh nhấn mạnh, về lâu dài, cần có một chính sách cụ thể để hỗ trợ người lao động bị giảm thời gian làm việc, không có việc. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giữ được chân lao động trong giai đoạn trước mắt, hy vọng trong một hai quý tới họ sẽ có được đơn hàng trở lại.

Đặc biệt, ông Phan Văn Anh lưu ý việc chỉ đạo, hỗ trợ công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và công bố tới toàn thể người lao động trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày (đến nay nhiều doanh nghiệp đã công bố phương án bố trí nghỉ Tết Nguyên đán 2023).

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-chinh-sach-ho-tro-nguoi-lao-dong-mat-viec-lam-2087243.html