Cần chính sách nhất quán để giải quyết bất cập trong công tác cai nghiện ma túy

Người nghiện ma túy hiện đang trẻ hóa nhưng việc xử lý, tổ chức cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do bất cập về các quy định pháp luật, của quốc tế và Việt Nam; do đó, cần đưa ra những giải pháp mang tính tổng thể, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đây là thông tin đưa ra tại Hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng nay (11/6), tại Hà Nội.

Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10.000 người/năm

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện, tình hình tệ nạn ma túy cũng như vấn đề người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 10.215 người so với cùng kỳ 2018). Nhiều vụ việc buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy những năm gần đây đã và đang gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà.

Vấn đề người sử dụng và nghiện ma túy cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt cả hệ thống chính trị. Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10.000 người/năm. Số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như: Trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Tính đến hết tháng 30/4/2020, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động; tổng số học viên đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập là 34.982 người.

Về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cả nước có 13 tỉnh, thành phố duy trì cách làm này và đã cai nghiện cho 1.711 người; 17 tỉnh, thành phố tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 3.162 người (do Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý). 100% người nghiện sau cai được quản lý tại cộng đồng (23.462 người). Quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện thì chỉ còn thành phố Hà Nội đang quản lý 3 người nghiện.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Cơ quan chức năng phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Trường hợp người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế vấn đề này rất khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, hơn 90% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định...

Theo Luật Phòng, chống ma túy quy định: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức. Trong khi đó, cấp xã không đủ cơ sở vật chất, y bác sĩ đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp, mang tính hình thức, không hiệu quả, nhiều địa phương không thực hiện.

Về quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện ma túy là hình thức, kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, điều này chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Vấn đề cai nghiện đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, về thẩm quyền quyết định việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi chưa thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính, do vậy có sự lúng túng, thiếu thống nhất trong việc triển khai ở các địa phương.

Cần có biện pháp, quy định đối với người sử dụng ma túy tổng hợp

Ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn Phòng Chính phủ cho biết, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, ma túy tổng hợp là một xu thế mới khiến công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn, phức tạp, chưa có quốc gia nào có giải pháp hiệu quả.

Theo ông Đoàn Hữu Bảy, trên thế giới, chiến lược phòng, chống ma túy dựa trên 3 trụ cột là: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Việt Nam xây dựng Luật Phòng, chống ma túy cũng trên quan điểm như vậy.

Ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn Phòng Chính phủ.

Chỉ thị 36 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng nêu rất rõ là cần đánh giá rà soát toàn diện công tác cai nghiện. Đồng thời cần có chính sách, biện pháp đối với người sử dụng ma túy. Nội hàm người sử dụng ma túy là rất mới. Dự thảo mới nhất của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi vẫn bỏ trống biện pháp đối với người sử dụng ma túy.

Đồng thời phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống và cai nghiện ma túy. Lấy ví dụ vụ việc học viên cai nghiện ma túy bỏ trốn ở Tiền Giang, ông Bảy cho biết, trách nhiệm thuộc về địa phương, ở đây là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trước hết cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp.

Việc học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện chủ yếu do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do học viên sử dụng ma túy tổng hợp gây kích thích, kích động thành trào lưu tập thể để phá trại. Thứ hai là do cơ sở quá tải, đối với cơ sở vật chất tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang chỉ tiếp đón 350 nhưng hiện tại có hơn 600 học viên đang cai nghiện. Thứ ba là công tác rà soát trước khi vào cơ sở cai nghiện, nhiều địa phương muốn làm trong sạch địa bàn, người không đủ điều kiện cũng đưa vào cơ sở. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo vì sao vụ việc lặp đi lặp lại mà chúng ta không giải quyết được. Trước hết, công tác kiểm tra cần tập trung vào quy trình rà soát đưa người nghiện vào cơ sở.

Theo ông Đoàn Hữu Bảy, hiện chưa có biện pháp nào hiệu quả nhất ngoài dự phòng và tuyên truyền. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền có thể vừa giảm cung, vừa giảm cầu. Dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của dịch bệnh. Đây không phải là biện pháp mới nhưng hiệu quả nhất trong các biện pháp, cần triển khai tập trung.

Xu hướng trẻ hóa của tội phạm ma túy ngày càng đáng lo ngại

Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, nếu trước đây, Trung Quốc là "trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp" và ma túy được đưa vào Việt Nam rồi mới sang các nước khác. Bây giờ, dòng chảy ma túy đang "đi ngược" từ Lào, Campuchia qua Việt Nam để sang Trung Quốc. Việt Nam cũng "manh nha" là nơi sản xuất ma túy.

Bên cạnh đó, xu hướng trẻ hóa của tội phạm ma túy, trong đó đáng lo ngại là người nghiện độ tuổi 12-18 có xu hướng tăng.

Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

"Người nghiện ma túy trẻ hóa nhưng việc xử lý, tổ chức cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn do bất cập về các quy định pháp luật, vướng các quy định của quốc tế và Việt Nam về quyền trẻ em nên việc xử lý, nhất là xử lý hình sự rất khó khăn", Phó Cục trưởng C04 cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn của công tác cai nghiện là đội ngũ nhân viên, bác sĩ quá mỏng. Ngành lao động phải làm việc với bên y tế để xin bác sĩ về các cơ sở cai nghiện, nhưng việc này cũng chỉ mang tính luân phiên. Bác sĩ mà luân phiên, không có sự gắn bó thì làm sao việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện hiệu quả?".

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn hệ thống pháp luật phải đồng bộ, làm sao vừa đảm bảo quyền con người đã được quy định trong hiến pháp, đảm bảo nhân quyền cho những người yếu thế, nhưng cũng phải đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống ma túy, cai nghiện.

CHU LƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/can-chinh-sach-nhat-quan-de-giai-quyet-bat-cap-trong-cong-tac-cai-nghien-ma-tuy-20200611150757391.htm