Cần chính sách thỏa đáng để khoa học và công nghệ thực sự trở thành ''đầu tàu''

Ngày 21-1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị triển khai công tác ngành khoa học và công nghệ nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được trong năm 2018, đề ra các giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2019.

Facebook vi phạm quy định về chính sách thuế

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, viện, trưởng, tổ chức khoa học và công nghệ cùng đại diện 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Năm 2019, quán triệt và thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các sở khoa học và công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ tập trung khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.

Đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ khách hàng và quản lý hoạt động nội bộ ngân hàng; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin; ứng dụng tự động hóa (robotic) trong hiện đại hóa quy trình quản trị nội bộ của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa...

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế; xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được nhiều kết quả: Hoàn thành 10/10 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018 (đạt 100%); 241/270 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đang tiếp tục thực hiện 29/270 nhiệm vụ (đều trong hạn xử lý); phát huy vai trò đầu mối cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Năm 2018, chỉ số GII của Việt Nam tiếp tục tăng, vươn lên thứ 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ, cao nhất từ trước tới nay.

Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện cơ chế hậu kiểm; chủ động rà soát, chuyển sang áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa; ước tính lợi ích kinh tế mang lại cho doanh nghiệp hằng năm khoảng 721 tỷ đồng.

Bộ cũng tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 68/121 điều kiện kinh doanh, đạt 56,2%; tập trung rà soát, xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại Hiệp định CPTPP. Tỷ lệ tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tăng so với năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm trọng điểm, có khả năng cạnh tranh cao.

Năm 2018, với vai trò là cơ quan đầu mối về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng văn bản nghị quyết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”; phê duyệt Kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025”.

Ngoài ra, đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực như: Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; dữ liệu tiếng nói tiếng Việt: Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả mà Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được trong năm qua, đây là kết quả của cả quá trình dài chứ không chỉ của riêng năm 2018. Điển hình, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có sự tăng bậc liên tục trong 2 năm gần đây. Qua điều tra, 50% số doanh nghiệp cho thấy ngành khoa học và công nghệ có tiến triển rõ rệt, kịp thời trong công tác ban hành văn bản chính sách mới, công tác kiểm tra chuyên ngành đã hỗ trợ "đắc lực" cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng khẳng định việc phóng vệ tinh Micro Drogon vào quỹ đạo cho thấy sự thành công của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh bởi chính đội ngũ kỹ sư và các nhà khoa học Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Năm 2018, ngành khoa học công nghệ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng năm 2019 phải làm tốt hơn nữa.

Phó Thủ tướng lưu ý, ngành khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều "tồn tại" như: Việc "đòi" hay yêu cầu trong quản lý khoa học không chấp nhận rủi ro là rất khó và không thực tế. Bên cạnh đó, việc lấy kinh phí cho khoa học để tăng thu nhập cho cán bộ, hay đâu đó vẫn còn lý do lấy đầu tư cho khoa học và công nghệ chi lương là không đúng, vì vậy cần phải làm đúng, phải có chính sách thích đáng cho khoa học và công nghệ.

Hiện nay, khoa học và công nghệ chưa thật sự là đầu tàu là đột phá, cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp "tự nguyện" và thực sự đầu tư cho khoa học và công nghệ bởi lợi ích thiết thực của chính doanh nghiệp.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện có nhiều chương trình quốc gia nhưng chưa có chính sách hỗ trợ để những sản phẩm Việt Nam có hàm lượng công nghệ cao thâm nhập thị trường trong và ngoài nước, vì vậy cần cơ chế để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ "tự nguyện", phải có sự hỗ trợ thực sự của Nhà nước. Vì vậy, năm 2019, cần có "góc nhìn mới" để thay đổi tư duy và cách làm đối với chương trình sản phẩm quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Năm 2019, Bộ sẽ đồng hành cùng với địa phương để tiếp tục thúc đẩy chỉ số đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh những ứng dụng cụ thể về khoa học công nghệ; điều chỉnh lại sản phẩm quốc gia theo cách tiếp cận và tư duy mới như Phó Thủ tướng chỉ đạo và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2019.

Tại hội nghị, đại diện các sở khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và hiệp hội cũng nêu rõ thực trạng ứng dụng khoa học và công nghệ, cũng như những bất cập, đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Cần chính sách thỏa đáng để khoa học và công nghệ thực sự trở thành ''đầu tàu''

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/924909/can-chinh-sach-thoa-dang-de-khoa-hoc-va-cong-nghe-thuc-su-tro-thanh-dau-tau-