Cần chủ động ứng phó

Trong xu thế hội nhập, một số quốc gia gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, phải đối diện nhiều nhất với các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn tránh thuế…

Một nguyên nhân chính dẫn đến việc các biện pháp PVTM ngày càng được sử dụng như một công cụ hợp pháp để bảo hộ sản xuất trong nước được cho là do tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng; hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần được dỡ bỏ; cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu là hướng đi đúng của doanh nghiệp

Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), hiện có 5 xu hướng các vụ kiện PVTM. Trước hết, kiện chùm, theo đó, đơn kiện đồng thời của nhiều nước và hàng hóa bị điều tra thường bị gắn với hàng hóa của một số nước khác có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn. Thứ hai, kiện chống lẩn tránh thuế. Thứ ba, kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó kiện). Thứ tư, kiện kép (kiện đồng thời chống bán giá và chống trợ cấp). Cuối cùng, xu hướng điều tra áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra PVTM với 130 vụ việc. Các quốc gia thường xuyên áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa Việt Nam, gồm: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Brazil, các nước châu Âu... thông qua hình thức điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và nghi ngờ lẩn tránh thuế.

Mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá thường liên quan đến các nhóm sản phẩm kim loại, hóa chất, cao su, máy móc, thiết bị, dệt may, giấy, đá, nhựa... Nhóm hàng bị điều tra chống trợ cấp thường gồm kim loại, cao su, nhựa, hóa chất, thức uống đóng hộp, rượu, bia, thuốc lá, dệt may, động vật sống, giấy... Việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM (chủ yếu là chống bán phá giá) đã ảnh hưởng rất lớn tới kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng Việt Nam.

Dù gặp không ít vụ kiện PVTM nhưng doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ, lúng túng trong việc nắm bắt thông tin; công tác kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp trong nước chưa thực sự hiệu quả, do thiếu kinh nghiệm ứng phó; năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi chi phí để kháng kiện rất cao. Thậm chí, có doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra về cung cấp tài liệu, số liệu, hợp đồng…

Cục PVTM khuyến cao, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với các vụ kiện. Bên cạnh đó, tránh rơi vào các trường hợp bị điều tra và chịu thiệt hại nặng nề khi bị áp thuế PVTM, bằng cách đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; tìm hiểu rõ pháp luật và xu hướng áp dụng PVTM của các thị trường; đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, Cục PVTM cũng lưu ý, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông báo của Cục; chủ động phối hợp với Cục để tìm giải pháp ứng phó; hợp tác chặt chẽ giữa công ty mẹ và công ty con nhằm đảo bảo thông tin cung cấp chính xác, có lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp cả hai cùng bị kiện. Đồng thời, cần có sự tách biệt tương đối giữa công việc kháng kiện của công ty mẹ và công ty con; đảm bảo thông tin trao đổi chính xác và thống nhất…

Doanh nghiệp cần xem xét phân công bộ phận, cán bộ theo dõi PVTM; cẩn thận trong hoạt động đầu tư để tránh bị coi là tiến hành các hoạt động lẩn tránh thuế…

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-chu-dong-ung-pho-112156.html