Cần chú trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh

ĐNO - Hơn lúc nào hết, vấn đề hướng nghiệp hiện nay đang được xã hội quan tâm. Vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì thiếu nhân lực, vẫn còn đó không ít những cử nhân, kỹ sư đang thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề so với chuyên môn được đào tạo. Phải chăng cốt lõi của vấn đề này là việc các bạn trẻ chọn sai nghề, cha mẹ định hướng chưa tôn trọng những khả năng và sở thích của con, nhà trường chưa quan tâm nhiều đến hoạt động hướng nghiệp?

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm.

Một vấn đề đáng mừng là chương trình Hoạt động hướng nghiệp dành cho lớp 10 đã trở thành chương trình chính khóa trong đổi mới Sách giáo khoa 2018. Chưa hoàn thành năm đầu tiên về đổi mới sách giáo khoa lớp 10 nhưng hiệu quả từ chương trình sách giáo khoa mới đang được rất nhiều học sinh đón nhận, trong đó đáng chú ý là chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Chúng tôi đến thăm Trường THPT Thanh Khê quận Thanh Khê vào một ngày đầu tháng Ba nắng đẹp, ngôi trường vừa mới qua tuổi 15 được mấy ngày. May mắn sao chúng tôi được tham gia một hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh khối 10. Một sân khấu được trang trí thật đẹp, một không gian mở mà ở đó học sinh tự do tham quan các khu trưng bày, các sản phẩm mà chính tay các “nghệ nhân” của trường tạo nên.

Học sinh không bị gò bó với những hàng dọc ngồi im phăng phắc mắt hướng về sân khấu như chúng ta thường thấy mà ở đây các em được tìm hiểu và đối thoại với giáo viên hướng nghiệp với những gì mình thích. Quả đúng là một phương pháp dạy học mới, một phương pháp dạy học mà chúng ta đang mong đợi.

Tìm gặp giáo viên phụ trách hướng nghiệp của trường, chúng tôi được chia sẻ: Đà Nẵng đang hướng đến là một thành phố đáng sống, thế nên du khách muôn phương đến với Đà Nẵng không chỉ được thu hút từ những thắng cảnh hay các công trình đầu tư xinh đẹp mà du khách đến với vùng đất này còn là những thu hút về ẩm thực hay truyền thống từ các làng nghề…

Bởi thế trường đã cho các em học sinh tìm hiểu về các làng nghề truyền thống của địa phương như làng nghề chiếu Cẩm Nê, Bánh tráng Túy Loan, Nước mắm Nam Ô, Bánh khô mè Cẩm Lệ hay Làng đá mĩ nghệ Non nước.

Trước mắt chúng tôi là những gian hàng trưng bày các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống, học sinh tham quan trải nghiệm bằng việc nếm thử bánh tráng, ăn bánh khô mè, trải nghiệm đan chiếu hay các sản phẩm mĩ nghệ được làm từ cói - sản phẩm được đưa về từ làng chiếu Cẩm Nê. Bên cạnh đó các gian hàng còn được các bạn học sinh giới thiệu về sự hình thành và phát triển của các làng nghề và tranh thủ hỏi đáp về giải pháp khôi phục các làng nghề đang có dấu hiệu mai một.

Kết hợp với các gian hàng trưng bày về các làng nghề truyền thống, giáo viên hướng nghiệp tổ chức các trò chơi đoán nghề từ những hình ảnh và bài hát, từ đó định hướng cho học sinh biết ước mơ và con đường chinh phục ước mơ.

“Bạn học giỏi, bạn có rất nhiều khả năng nhưng bạn vẫn thất bại vì bạn chọn sai nghề” câu nói của giáo viên hướng nghiệp được học sinh vỗ tay nhiều nhất trong buổi trải nghiệm đầy ý nghĩa đó. Nhiều cánh tay đã giơ lên xin được giải đáp bằng các câu hỏi về chọn nghề, về những ước mơ…

“Em ước mơ một nghề mà ba mẹ lại không cho, muốn em phải nghe theo sự lựa chọn của ba mẹ thì phải làm sao, thưa thầy” Người thầy đứng lọt thỏm giữa “vòng vây” học sinh phải lặng đi một vài giây rồi mới cất tiếng trả lời. Có lẽ đây là câu hỏi khó nhất mà thầy trăn trở trong nhiều năm qua.

Cái khó một phần từ những mong muốn của các bậc phụ huynh về việc định hướng nghề nghiệp cho con cái của mình trong tương lai. Mong muốn sẽ khác với khả năng!

Rời Trường THPT Thanh Khê khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi vui buồn lẫn lộn. Vui vì trường đang làm tốt định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, buồn vì không biết đến khi nào thầy cô không còn lặng đi trước những câu hỏi: Làm sao để được chọn những nghề mình yêu thích khi ba mẹ là người quyết định cho tương lai của mình.

QUỐC TOÀN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202303/can-chu-trong-giao-duc-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-3939885/