Cần chung tay quản lý, chăm sóc người bệnh tâm thần

Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tâm thần ngày càng lớn, nhưng công tác quản lý, điều trị cho đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều vụ án thương tâm do người tâm thần gây án xảy ra trong cộng đồng. Đây là vấn đề cần sự quan tâm sâu sát hơn nữa của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; sự đồng hành của người thân trong gia đình và sự chung tay của toàn xã hội.

Nhiều vụ việc đau lòng

Giữa tháng 8/2022, bà Đ.T.T.H (55 tuổi), nhân viên Trạm Y tế xã Đức Chánh (Mộ Đức) sau khi hết ca trực, trên đường về nhà, khi đi qua thôn 2, xã Đức Chánh bất ngờ bị ông N.T.S (46 tuổi), là người bị tâm thần ở cùng xã, cầm khúc gỗ đánh mạnh vào đầu và mặt, khiến bà H tử vong tại chỗ. Cách đó vài tháng, ông S cũng đã đánh ông T.V.T (người cùng xã) bị thương tích trên 90%, hiện đang nằm điều trị chấn thương sọ não ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Được biết, ông S mắc bệnh động kinh, được cấp sổ theo dõi và quản lý bệnh nhân tâm thần, được cấp thuốc điều trị hằng tháng và nhận tiền hỗ trợ.

Một buổi phục hồi chức năng tâm thần bằng liệu pháp văn hóa tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Một buổi phục hồi chức năng tâm thần bằng liệu pháp văn hóa tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Trước đó, vào năm 2018, đối tượng P.A.V, ở xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi), đã dùng rựa chém chết ông Đ.Q.S trong khi đang lên cơn bệnh. Bản thân V có sổ điều trị tâm thần và đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Hiện nay, chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nhiều trường hợp bệnh nhân phát bệnh, người thân không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời đã dẫn đến những vụ việc đau lòng như trên. “Theo quy định pháp luật, nếu không có sự đồng ý của gia đình thì không thể đưa bệnh nhân tâm thần đi điều trị tập trung. Đây là một vấn đề rất nan giải trong việc giám sát các hành vi của người bệnh và gây ra các vụ án đau lòng”, Chủ tịch UBND xã Đức Chánh Nguyễn Quang Chính cho biết.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Theo số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, Quảng Ngãi hiện có hơn 7.800 người tâm thần, trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chiếm 0,54% tổng dân số. Trong đó, có 6.659 người tâm thần nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; 1.156 người tâm thần nhẹ, trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí đang được quản lý, chăm sóc tại cộng đồng. Hơn 500 đối tượng là người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và trên 250 đối tượng là người tâm thần lang thang.

Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở; triển khai các đợt khám sàng lọc tại cộng đồng để kịp thời phát hiện, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Với các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đang điều trị ngoại trú, nhân viên y tế cơ sở thường xuyên cấp thuốc điều trị, theo dõi diễn biến bệnh. Nỗ lực là vậy nhưng hiện nay tình trạng bệnh nhân tâm thần đi lang thang, gây rối trật tự công cộng, gây án vẫn còn xảy ra.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Trà - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho hay, theo quy định thời gian điều trị giai đoạn cấp cho bệnh nhân tâm thần hiện tại còn ngắn (30 ngày), chưa đảm bảo để người bệnh điều trị dứt điểm. Trong khi đó, việc điều trị đối với bệnh nhân tâm thần quan trọng nhất là giai đoạn điều trị phục hồi chức năng tâm thần, để người bệnh vừa được điều trị theo đúng phác đồ vừa được phục hồi về tâm lý, khi ổn định rồi mới giao về gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay giai đoạn điều trị phục hồi chức năng tâm thần hầu như không được thực hiện, vì không có cơ chế chính sách và không được bảo hiểm y tế chi trả...

Ngoài ra, việc để người bệnh chấp thuận điều trị, uống thuốc đúng thời gian, liều lượng cũng là một vấn đề khó. Nếu gia đình, người thân thiếu sát sao, không chu đáo với người bệnh thì việc chữa trị hết sức khó khăn. Bệnh nhân không được điều trị đúng phác đồ thì bệnh sẽ trở nặng, gây ra những hành vi đáng tiếc.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng bệnh nhân tâm thần gây án trong cộng đồng, theo bác sĩ Phạm Thị Thu Trà, điều quan trọng là sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như các cấp ngành, sự chung tay của cả cộng đồng. “Hiện nay, bệnh viện đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình phục hồi chức năng tâm thần sau điều trị cấp với nhiều liệu pháp phục hồi cho người bệnh. Mong rằng mô hình sẽ được tỉnh ta xây dựng và phát triển tại bệnh viện, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và các địa phương... để có thể cùng phối hợp với công tác điều trị, hỗ trợ người bệnh cải thiện chức năng cá nhân, cải thiện việc quản lý bệnh tật cá nhân, giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng thành công”, bác sĩ Trà cho biết.

Bài, ảnh: V.YẾN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2034/202209/can-chung-tay-quan-ly-cham-soc-nguoi-benh-tam-than-3134954/