Cần có biện pháp quản lý học sinh đi xe đạp điện

Thời gian gần đây, Báo Đồng Nai nhận được ý kiến của một số bạn đọc gửi đến kiến nghị cần có biện pháp quản lý việc học sinh sử dụng xe đạp điện, vì thực tế nhiều học sinh đi xe đạp điện trên đường phố không đảm bảo an toàn.

Nhiều học sinh ở TP.Biên Hòa đi xe đạp điện lưu thông trên đường nhưng không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: A. Nhiên

Nhiều học sinh ở TP.Biên Hòa đi xe đạp điện lưu thông trên đường nhưng không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: A. Nhiên

Có ý kiến cho rằng, việc phụ huynh cho con sử dụng xe đạp điện nhưng chưa hướng dẫn cho con các quy định của Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng chạy xe an toàn nên ý thức tham gia giao thông của nhiều em rất kém. Tình trạng học sinh chạy xe đạp điện phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang... diễn ra khá phổ biến.

* Vẫn còn những trường hợp chạy xe ẩu

Ông Vũ Văn Dũng, tài xế tuyến xe buýt số 10 (ngã ba Vũng Tàu - huyện Xuân Lộc) cho biết: “Trên đường đi sợ nhất là học sinh đi xe đạp điện. Ngồi trên xe buýt mới thấy tụi nhỏ chạy xe rất ẩu. Nhiều trường hợp vừa chạy hàng đôi, hàng ba, vừa đùa giỡn, xô đẩy nhau trên đường, chỉ cần 2 xe va quẹt vào nhau, người văng ra đường sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, hiện Luật Giao thông đường bộ chưa quy định độ tuổi thấp nhất được điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, trong khi thực tế nhiều học sinh ở độ tuổi từ 11-15 đã sử dụng phương tiện này. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh tuân thủ các quy định về an toàn giao thông; cách xử lý các tình huống thường gặp khi lưu thông trên đường...

Qua ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai ở nhiều trường THCS, THPT ở TP.Biên Hòa cho thấy, nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; một số em chở 2, chở 3, lao xe vun vút trên đường, chạy không đúng làn đường, thậm chí vừa chạy vừa đùa giỡn, xô đẩy nhau khiến ai nhìn thấy cũng ngán ngại.

Hơn 1 tuần qua, chị Nguyễn Thị Thy (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) phải nghỉ làm để chăm sóc con trai mổ gãy xương tay tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Chị Thy cho biết, vào giờ tan trường, con chị chạy xe đạp điện chở theo một người bạn. Khi con trai chị đang chạy xe thì người bạn này lại đùa giỡn, xô đẩy với một người bạn đi xe khác khiến 2 xe đều bị ngã. Con của chị chống tay xuống đường thì bị gãy xương cổ tay, phải nghỉ học để nhập viện điều trị.

Thực tế, trong những năm qua, tại Đồng Nai cũng đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đối với học sinh đi xe đạp điện. Cụ thể như vào năm học 2018-2019, em V.A.B., học sinh lớp 10 Trường tiểu học - THCS - THPT Bùi Thị Xuân đang lưu thông bằng xe đạp điện trên đường Đồng Khởi thì bị một xe máy chạy cùng chiều đụng phải khiến em B. ngã ra đường và bị xe tải ben phóng nhanh từ phía sau cán qua người tử vong.

* Quản lý chặt chẽ từ phía gia đình

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 2 năm trở lại đây, số vụ tai nạn giao thông do học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện đang có xu hướng gia tăng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đã xử lý bằng hình thức nhắc nhở hàng chục vụ học sinh đi xe đạp điện có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu...

Thiếu tá Võ Ngọc Vương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa cho biết, pháp luật không cấm học sinh đi xe đạp điện, cũng như không yêu cầu người đi xe đạp điện phải qua đào tạo, sát hạch kỹ năng chạy xe, nhiều học sinh chưa được học những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ nên vẫn còn tình trạng học sinh chạy xe đạp điện không chấp hành đúng theo quy định. Điều đáng nói, khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện nếu các em kéo hết ga thì xe chạy cũng rất nhanh, khó xử lý khi gặp tình huống bất ngờ ở trên đường.

“Để chấn chỉnh thực trạng này, trong thời gian tới, ngoài việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các tổ tuần tra giao thông sẽ gửi thông tin học sinh chạy xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho nhà trường biết để cùng nhắc nhở, giáo dục học sinh” - Thiếu tá Võ Ngọc Vương nói.

Về vấn đề này, ông Trần Nghĩa Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết, học sinh của trường nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị cảnh sát giao thông gửi thông báo về trường sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ để các học sinh chấp hành đúng quy định khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần cân nhắc khi để con em lưu thông trên đường bằng xe đạp điện, xe máy dưới 50cm3; cần hướng dẫn cho các em các quy định pháp luật về giao thông, kỹ năng chạy xe an toàn trước khi giao xe cho các em tự đến trường.

An Nhiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201911/can-co-bien-phap-quan-ly-hoc-sinh-di-xe-dap-dien-2973573/