Cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Gốm sứ xây dựng

Kể từ năm 2021 đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm, sứ xây dựng đang có xu hướng giảm mạnh. Tuy các doanh nghiệp đã chủ động giảm sản lượng sản xuất, nhưng số lượng tồn kho nội địa vẫn đang ở mức cao. Cùng với đó, ngành sản xuất gốm, sứ xây dựng đang chịu nhiều sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong năm 2023, sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%.

Trong năm 2023, sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%.

Sản lượng sản xuất chỉ ở mức dưới 60%

Trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản trong nước giảm sâu bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn do thị trường trầm lắng, nhu cầu về bất động sản suy giảm cũng như những khó khăn về nguồn vốn, pháp lý… dẫn đến doanh nghiệp phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai chậm. Vì vậy, đây là nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn đầu ra cho chuỗi sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) từ khâu khai thác khoáng sản làm nguyên liệu cho đến khâu sản xuất và cung ứng đến công trình.

Trong khi đó, dịch bệnh, chiến tranh ở một số khu vực đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia đã rơi vào khủng hoảng kinh tế, dẫn đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong đó có VLXD bị ảnh hưởng nặng nề. Một số sản phẩm hàng hóa VLXD sản xuất trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đơn cử như gạch ốp lát Ấn Độ đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam, năm 2022 đã đạt 45 triệu USD, năm 2023 đã đạt tới 50,6 triệu USD, tăng trên 10% so với năm 2022.

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, sản lượng tiêu thụ ngành Gốm sứ xây dựng đạt khoảng 90 - 95% sản lượng sản xuất (trong đó tiêu thụ tại thị trường trong nước khoảng 75%, xuất khẩu khoảng 12-13% và lượng tồn kho khoảng trên dưới 15%). Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực này có xu hướng sụt giảm mạnh, sản lượng sản xuất chỉ huy động bình quân ở mức 50 - 60% so với công suất thiết kế. Tuy các doanh nghiệp đã chủ động giảm sản lượng sản xuất bằng cách dừng một số dây chuyền, nhưng lượng tồn kho nội địa vẫn ở mức cao (khoảng 18 - 20% so với sản lượng sản xuất).

Trong năm 2023, đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm. Lượng hàng tồn kho của 2 loại sản phẩm này tại các nhà máy hiện nay rất lớn.

Theo ông Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trước những khó khăn của ngành Vật liệu xây dựng nói chung và ngành Gốm sứ xây dựng nói riêng, thời gian qua Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn, tập trung chủ yếu vào việc tạo hành lang cơ chế, pháp lý thuận lợi cho hoạt động thúc đẩy chủ trương đầu tư xây dựng; có các giải pháp đồng bộ về pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư, các chương trình vay vốn của ngân hàng để vực dậy thị trường bất động sản. Khi các dự án đầu tư xây dựng được triển khai theo tiến độ thì đây sẽ là giải pháp chính để cho các sản phẩm VLXD như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, xi măng, kính xây dựng… được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, đúng như kỳ vọng của các nhà sản xuất và kinh doanh VLXD.

Đề xuất một số giải pháp cho ngành sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh, ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam còn có nhiều doanh nghiệp đã thành lập từ lâu, các dây chuyền sản xuất đã cũ, công suất nhỏ, không thể tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt. Vì vậy, khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ phải bán với giá thành thấp, kéo theo giá cả chung của thị trường sản phẩm trong nước giảm.

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam kiến nghị các doanh nghiệp này cần lựa chọn cho mình một giải pháp phù hợp, có thể giải thể doanh nghiệp hoặc hợp tác với các doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại để sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất VLXD phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành trong cả nước cần có các biện pháp hạn chế các doanh nghiệp đầu tư mới dây chuyền sản xuất, tránh tình trạng nguồn cung nhiều hơn nhu cầu thực tế.

Đẩy mạnh giải pháp bảo vệ sản phẩm nội địa

Từ năm 2022 đến nay, ngành sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh đang chịu nhiều sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo số liệu từ Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu gạch ốp lát của Việt Nam khoảng 101 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 34,6 triệu USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 50,6 triệu USD. Đối với các sản phẩm sứ vệ sinh, tổng giá trị nhập khẩu đạt 62,7 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 54,7 triệu USD.

Năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu gạch ốp lát khoảng 101 triệu USD, sứ vệ sinh là 62,7 triệu USD.

Năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu gạch ốp lát khoảng 101 triệu USD, sứ vệ sinh là 62,7 triệu USD.

Theo ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, đối với mặt hàng gạch ốp lát, mặc dù số liệu nhập khẩu hàng từ Trung Quốc mà phía Việt Nam thống kê là 34,6 triệu USD; thế nhưng theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam đạt khoảng 402 triệu USD (cao gấp 11,6 lần số liệu của nước ta).

Lý giải về việc này, ông Đinh Quang Huy nhận định, vì giữa Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền rất dài, dẫn đến các sản phẩm nhập khẩu vào nước ta từ Trung Quốc có thể đi theo các đường tiểu ngạch khác, từ đó cho thấy, số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là khá lớn.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, các mặt hàng gạch ốp lát và sứ xây dựng nhập khẩu đang chiếm lĩnh 15 - 17% thị trường Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn khi không chỉ cạnh tranh về giá mà còn cạnh tranh cả về chất lượng sản phẩm.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các mặt hàng gốm sứ xây dựng nước ngoài có thể “tung hoành” thị trường trong nước xuất phát từ việc thuế nhập khẩu sản phẩm. Đơn cử như gạch ốp lát Ấn Độ, thuế nhập khẩu sản phẩm này giảm mạnh theo lộ trình của Hiệp định thương mại ASEAN - Ấn Độ (ký kết ngày 13/8/2009, hiệu lực ngày 1/1/2010). Đặc biệt, từ vài năm trở lại đây, thuế nhập khẩu gạch ốp lát của Ấn Độ giảm từ mức 35% xuống còn 5% và có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, cần phải lập hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng, bảo vệ thị trường trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Đáng chú ý, đến hết tháng 6 năm 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại gồm 16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Có thể thấy, con số này còn rất ít so với các vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại còn phụ thuộc vào sự chủ động yêu cầu của các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước. Đây là yếu tố quan trọng để cơ quan quản lý tiến hành các quy trình liên quan phù hợp các cam kết quốc tế.

Ông Đinh Quang Huy – Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết: Trong hơn 1 năm qua, để bảo vệ thị trường nội địa, Hiệp hội đã và đang cùng với các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục để khởi kiện chống bán phá giá đối với gạch ốp lát đến từ Ấn Độ. Hiện nay, các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất các thủ tục và đã bước đầu gửi đơn lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các cơ quan có thẩm quyền. Việc khởi kiện sẽ đảm bảo phù hợp với các điều kiện pháp lý của WTO và các hiệp ước song phương mà Việt Nam đã ký kết.

Theo ông Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, khi hoạt động đầu tư xây dựng và tiêu thụ vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng gạch ốp lát, sứ vệ sinh ở trong nước đang còn trầm lắng thì cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài. Liên quan đến vấn đề xuất khẩu VLXD, Bộ Xây dựng cũng đã có những giải pháp và phối hợp đồng bộ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan về những chính sách thuế xuất khẩu phù hợp.

Ví dụ trong khi hàng hóa VLXD trong nước còn tồn đọng, mà chất lượng sản phẩm của chúng ta lại ngang bằng với tiêu chuẩn của thế giới thì chính sách thuế cần điều chỉnh linh hoạt như giảm thuế xuất khẩu cho các mặt hàng VLXD để có tính cạnh tranh khi xuất khẩu hàng trong nước ra nước ngoài. Đây cũng chính là một trong những giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn của ngành Gốm sứ xây dựng nói riêng và VLXD nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-co-cac-giai-phap-thao-go-kho-khan-cho-nganh-gom-su-xay-dung-375793.html