Cần cơ chế, chính sách đột phá để doanh nghiệp tăng cường nội lực và vượt khó

Thảo luận tại phiên chuyên đề 1 về 'Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó', các đại biểu nhấn mạnh, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ, chuyên gia, doanh nghiệp và toàn xã hội để tạo hành lang pháp lý thông thoáng; có các cơ chế, chính sách đột phá để doanh nghiệp tăng cường nội lực và vượt khó.

Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Doanh nghiệp gặp khó khăn trước các “cơn sóng dữ”

Tiếp tục phiên chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng nay, 19.9. sau khi nghe các tham luận của các diễn giả, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thách thức đang đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam; các chính sách về thuế, phí và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu của doanh nghiệp; hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu; đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, giải pháp từ phía chuyên gia trong nước và quốc tế…

Về những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) Lê Hồng Thủy Tiên cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2022, các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội, căng thẳng địa chính trị, tình hình lạm phát, giá xăng dầu và cước vận tải leo thang.

Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group) Lê Hồng Thủy Tiên phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đến năm 2023, do ảnh hưởng tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp Việt Nam lại rơi vào thế bị động, bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm, doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều gặp khó khăn trước các “cơn sóng dữ” của lạm phát và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc IPP Group đề xuất, doanh nghiệp cần có các cơ chế, chính sách đột phá để tăng cường nội lực và vượt khó.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nền kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển nhất là những thị trường Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Mặt khác, do dịch Covid-19, lượng hàng tồn kho ở các thị trường này rất cao, khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hóa của những thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp cụ thể như: thường xuyên, kịp thời theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới nhất là sự điều chỉnh chính sách tại các thị trường lớn mà Việt Nam đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra những cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ để có biện pháp ứng phó.

Bộ Công thương cũng đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, điểm ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do; mời các doanh nghiệp lớn trên thế giới kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa. Đối với các thị trường khác như Trung Quốc, Châu Phi, Bộ Công thương cũng đã có kế hoạch xúc tiến thương mại vào các thị trường này.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành cơ quan địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp, dựa trên nhu cầu và kiến nghị của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực trong đẩy mạnh kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất khẩu nói riêng.

Tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp phát triển

Dẫn nhận định của PGS,TS. Trần Đình Thiên tại tham luận mở đầu hội thảo “doanh nghiệp Việt Nam giỏi chịu, sống dai nhưng chậm lớn và khó trưởng thành”, Tổng Giám đốc IPP Group cho rằng, không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn, có rất nhiều doanh nghiệp chân chính muốn đầu tư, tìm tòi học hỏi, muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế, thiếu các chính sách mang tính chiến lược, bền vững.

PGS,TS. Trần Đình Thiên phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ, chuyên gia, doanh nghiệp và toàn xã hội để tạo được hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh đổ thừa cho cơ chế, giúp doanh nghiệp có thể làm được nhanh những gì luật cho phép và thúc đẩy sự phát triển đổi mới", Tổng Giám đốc IPP nhấn mạnh.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị, tuy nhiên quan trọng nhất là phải tháo gỡ được các nút thắt trong phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là về phát triển thị trường trái phiếu, bất động sản…

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.

Chủ đề của hội thảo chuyên đề liên quan đến năng lực nội sinh và động lực phát triển, song, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, cùng với đó cũng cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI vào Việt Nam. Bởi, đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ và nổi lên các xu thế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

"Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thế và lực mới, khát vọng và mục tiêu phát triển cũng đã khác, vì vậy, cần có những chính sách để kịp thời nắm bắt được dòng vốn, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa. Đồng thời, cần có chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng niềm tin chiến lược của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh, thể chế và chính sách”, Chủ tịch VCCI nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-co-che-chinh-sach-dot-pha-de-doanh-nghiep-tang-cuong-noi-luc-va-vuot-kho-i343472/