Cần cơ chế riêng cho từng nhóm khán giả truyền hình

Việc dừng phát sóng bộ phim đang 'hót'- 'Quỳnh búp bê' cho thấy đề tài mại dâm thực sự vẫn còn nhạy cảm với một bộ phận công chúng. Tuy nhiên, với sự mạnh dạn đầu tư của những nhà làm phim, ít nhiều cho thấy nghệ thuật trên màn ảnh nhỏ đã chạm được cảm xúc đám đông, tạo ra những hiệu ứng đáng mừng.

Để những tác phẩm như "Quỳnh búp bê" đến được với giới mộ điệu thì nhất định phải có cơ chế riêng cho thể loại phim 18+, cũng như cơ chế riêng cho từng nhóm khán giả theo độ tuổi!

Sự cố bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" phải tạm ngừng phát sóng là một lời nhắc nhở cần thiết cho những ai quan tâm đến sức ảnh hưởng của màn ảnh nhỏ với đời sống. Khai thác đề tài thân phận những nàng Kiều hôm nay phải ngụp lặn dưới đáy xã hội, bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" qua 6 tập đầu trình chiếu vào khung giờ 20h45 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, đã được khán giả quan tâm đặc biệt, đồng thời cũng dấy lên những nghi ngại về tính bạo lực trong tác phẩm.

Phản ứng kiểu chữa cháy, Đài Truyền hình Việt Nam cho dán nhãn 18+ với dòng chữ khuyến cáo: "Trong phim có một số nội dung và hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, nên có phụ huynh giám sát khi xem". Tuy nhiên, sau đó vẫn phải dừng phát sóng "Quỳnh búp bê", để thay thế bằng một bộ phim khác.

Nhà báo Kim Ngân - tác giả kịch bản phim "Quỳnh búp bê".

Ở đây, phải phân biệt hai khái niệm: Cấm chiếu và tạm ngừng. Bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" không phải sản phẩm kém chất lượng, đồng thời cũng không đề cao những mặt trái tiêu cực. Bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" phản ánh khá chân thật một thực trạng nhức nhối bằng những chi tiết và những góc quay rất chuyên nghiệp. Chỉ mới trình chiếu 6 tập trong tổng số 30 tập, mà đã có dư luận như vậy, chứng tỏ trình độ làm phim của ê-kíp "Quỳnh búp bê" hoàn toàn không nghiệp dư.

Giá quảng cáo trong khung giờ phát sóng "Quỳnh búp bê" cũng được VTV1 đưa ra ở mức 100 triệu đồng/ 30 giây, và thu hút được nhiều khách hàng. Là người chịu trách nhiệm chính cho giá trị nghệ thuật của bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê", đạo diễn Mai Hồng Phong thổ lộ: "Những ngày đầu tiên khi được chiếu, chứng kiến phản hồi của khán giả tăng lên từng ngày, nhiều ý kiến ngợi khen và cả lời chê nhưng chúng tôi đều coi đó là động lực làm việc.

Đến hôm nay đoàn phim vẫn tiếp tục quay những phần còn lại ở Quảng Bình, không ai bỏ cuộc. Cũng có chút xáo động nào đó, anh em có nỗi buồn riêng nhưng tất cả đều tin bộ phim sẽ sớm phát sóng trở lại. Điều tuyệt nhất mà "Quỳnh búp bê" tạo được chính là khán giả và cảm xúc nó mang lại. Tôi nghĩ thông báo tạm dừng của nhà đài là để sắp xếp một khung giờ hợp lý hơn.

Quyết định đấy tôi nghĩ là cũng hợp tình hợp lý. Thật ra những bộ phim về đề tài nhạy cảm sẽ có rất nhiều luồng dư luận, tôi cũng đã tìm hiểu trước khi thực hiện dự án này. Có thể mình chỉ suy nghĩ theo cách khác nhưng dư luận lại có nhiều chiều hướng và phía nhà đài sẽ phải nhìn nhận công bằng, khách quan hơn chúng tôi. Còn chúng tôi là nghệ sĩ và chỉ cống hiến và cố gắng theo góc độ chuyên môn thôi. Về vấn đề hiệu ứng xã hội thì các cơ quan có thẩm quyền hơn thì họ sẽ có sự cân nhắc, lựa chọn. Nhưng tôi và cả đoàn làm phim vẫn tin bộ phim sẽ trở lại với khán giả ở một khung giờ phù hợp".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và đạo diễn Phan Đăng Di đều cho rằng, sau câu chuyện của "Quỳnh búp bê", đã đến lúc những bộ phim phát sóng trên truyền hình phải lên kế hoạch gắn nhãn cụ thể cho từng tác phẩm khi trình chiếu cho khán giả. Từ tháng 10-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình phải cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Bên lĩnh vực điện ảnh chia thành bốn mức độ rõ ràng: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh. Liệu bên truyền hình có thể áp dụng tương tự không?

Khi nghe tin bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" tạm ngừng phát sóng, những người chưa kip xem đoán già đoán non về một tác phẩm được dàn dựng phiến diện và cẩu thả. Ngược lại, cần thừa nhận bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" là một nỗ lực đáng ghi nhận của Hãng phim Truyền hình Việt Nam trong bối cảnh những nhà làm phim nước ta cứ đắm đuối lao theo xu hướng mua bản quyền kịch bản từ những bộ phim nổi tiếng nước ngoài để làm lại như một cách ăn theo nhẹ nhàng. Người trực tiếp đưa ra ý tưởng và viết kịch bản "Quỳnh búp bê" là nữ nhà báo Kim Ngân rất quen thuộc với chương trình "Người xây tổ ấm" trên VTV1. Nhân vật Quỳnh có biệt danh "búp bê" không phải xuất phát từ hư ảo, mà có nguyên mẫu trong thực tế.

Đạo diễn Mai Hồng Phong.

Dù phản ánh hiện thực không còn là phương pháp sáng tác nghệ thuật duy nhất, nhưng những gì chân thành luôn có sức lay động sâu xa. Bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" cũng không mang những điều trần trụi lên màn ảnh một cách thô thiển. Ê-kip làm phim đã dàn dựng những tình huống khá thuyết phục để phơi bày tâm lý nhân vật và số phận nhân vật.

Vì vậy, những phản ứng có chút thiếu bình tĩnh từ những người xem yếu bóng vía chính là điều mà những người phát sóng bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" không thể tiên liệu. Nhà báo Kim Ngân với tư cách biên kịch có lý lẽ riêng khi cho rằng: "Quan điểm của tôi là nhìn càng muốn nhìn vào tệ nạn mại dâm để hiểu tác hại của nó thì hãy nhìn trực diện, miễn sao ở chừng mực chấp nhận được, tức không có cảnh lõa lồ hay quá phản cảm trên phim".

Bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" sở dĩ gây ấn tượng ngay từ những tập đầu tiên cũng nhờ khả năng diễn xuất của các diễn viên chính. Hầu hết những gương mặt từng được yêu thích trong hai bộ phim truyền hình "Người phán xử" và "Ngược chiều nước mắt" đều được mời vào "Quỳnh búp bê". Và mỗi diễn viên đều có tâm trạng khác nhau khi bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" đứng trước những tranh cãi trái chiều.

Diễn viên Thu Quỳnh đóng vai My Sói, thổ lộ: "Trong suốt những tháng qua, đoàn phim luôn nỗ lực để mang đến những cảnh quay chân thực nhất. Và thực tế tệ nạn mại dâm còn khốc liệt, đáng sợ hơn, khi lên phim, ê-kíp đã cố gắng tiết chế rất nhiều". Còn diễn viên Thanh Hương đóng vai Lan, bộc bạch: "Phim Việt hiện giờ thể hiện rất rõ những vấn đề thực tế, đó là lý do trước đó "Người phán xử" được yêu thích và "Quỳnh búp bê" cũng vậy. Xem thì khán giả có thấy nó ghê rợn quá, thực tế quá.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, ở ngoài, sự thật còn kinh khủng hơn rất nhiều. Việc phim phản ánh chân thực thông qua các cảnh quay cũng để khán giả có bài học và rút kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi vẫn cho hai con của tôi xem phim và hướng con đến yếu tố giáo dục",

Vấn đề bây giờ là tìm khung giờ hợp lý để phát sóng trở lại bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê". Với một tác phẩm như "Quỳnh búp bê" thì nhất định phải phát sóng sau 22h, và dán nhãn 18+. Mặt khác, nhân trường hợp rắc rối xung quanh bộ phim "Quỳnh búp bê", đã đến lúc phải có giải pháp phân loại khán giả truyền hình.

Ở các quốc gia khác, những tác phẩm 18+ được phát sóng theo hình thức VOD cho phép người dùng lựa chọn riêng biệt hoặc truyền hình trả thêm tiền dành cho người có nhu cầu. Ngoài ra, còn có cơ chế Netflix được ứng dụng, chỉ cần đặt mã pin sẽ lọc bỏ những kênh theo phân loại mà người dùng không đồng ý. Với hệ thống truyền hình phổ thông, thì phải chấp nhận những chỉ dấu hạn chế theo giờ phát sóng như 12+ chiếu sau 20h, 16+ chiếu từ 21- 22h và 18+ chiếu sau 22h!

Tại Mỹ, chương trình có nhãn TV-MA được chiếu từ 22h đến 6h hôm sau. Thái Lan quy định các phim PG-18 (không phù hợp người dưới 18 tuổi) phát sóng từ 22h đến 5h hôm sau. Ở Hàn Quốc, các phim 19+ được chiếu từ 9h đến 13h và 22h đến 7h hôm sau. Việc khán giả chấp hành quy định mang tính tự nguyện chứ không ràng buộc luật pháp.

Tâm Huyền

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/can-co-che-rieng-cho-tung-nhom-khan-gia-truyen-hinh-505368/