Cần có chiến lược làm chủ công nghệ vi mạch bán dẫn

Hôm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Bộ GD&ĐT và Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đã tổ chức hội thảo định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

PGS.TS. Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin hiện có 4 công ty có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam. Nhân lực cần thiết để vận hành nhà máy sản xuất bán dẫn ở Việt Nam cần khoảng 10 nghìn kĩ sư/năm.

Từ thực tế này, ông Việt Anh cho biết ĐH Bách khoa Hà Nội định hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi phục vụ xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, nghiên cứu phát triển thành công và nội địa hóa thiết kế, chế tạo một số IC và Chip bán dẫn ứng dụng trong các hệ thống thông minh, phát triển nội địa hóa sản phẩm trong công nghiệp bán dẫn trong nước. Tuy vậy có nhiều thách thức khó khăn đặt ra. Đó là cơ sở vật chất (phần mềm, máy móc) đắt tiền, cần đầu tư lớn; nhân lực thiếu; nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kì ngắn và nhanh.

Thực hành trong phòng thí nghiệm của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: BKHN

GS. TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay thế giới chia thành 4 loại doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp vi mạch bán dẫn. Từng loại doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khác nhau.

“Nhìn vào bức tranh này, so sánh với đào tạo ĐH của Việt Nam cơ bản đáp ứng số lượng. Các doanh nghiệp sẽ phân bổ cơ cấu trình độ nhân lực như thế nào. Tỉ lệ ĐH của Việt Nam cao, còn tiến sĩ, thạc sĩ thấp. Nhưng nếu muốn đi xa phải tập trung tâm đào tạo nhân lực sau ĐH. Đây mới là thách thức nhân lực của Việt Nam vì trình độ sau ĐH đuối hơn so với yêu cầu, cả chất lượng, số lượng. Đuối ở động lực học tập của người dân”, ông Trình nói.

Ông Vũ Ngọc Hùng, giảng viên cao cấp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng để phát triển được ngành công nghệ bán dẫn cần có cam kết chính trị lâu dài để có đầu tư xác đáng. “Việt Nam muốn làm chủ phải nắm được công nghệ nguồn. Chúng ta đi sau nên làm phù hợp với năng lực. Không nên quá đi sâu vào công nghệ tiên tiến mà nên phát triển phù hợp với điều kiện”, ông Hùng nêu quan điểm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt nói rằng người ta ví những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những “hạt gạo”, bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ; là chìa khóa cho các công nghệ số trong tương lai. Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.

Còn Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Hồng Thái cho hay nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp FDI thì Việt Nam không bao giờ làm chủ được công nghệ. Nhưng FDI rất quan trọng với Việt Nam. Từng bước đi cùng họ, học họ để làm chủ đầu tư. Đồng thời nhìn nhận hiện đang thiếu cơ chế chính sách; chưa có hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cam kết thời gian tới, Bộ KHCN sẽ có hỗ trợ nghiên cứu trong ngành vi mạch bán dẫn như ưu tiên cử người ra nước ngoài học tập, hình thành các nhóm nghiên cứu mũi nhọn, hỗ trợ đầu tư các phòng thí nghiệm.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-co-chien-luoc-lam-chu-cong-nghe-vi-mach-ban-dan-post1629879.tpo