Cần có chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững

'Chính phủ nên rà soát lại các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi để khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược, thiếu khả thi, không tạo ra động lực phát triển, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững như báo cáo Chính phủ đã nêu', Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2016 – 2020 trong chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (26/10).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, trong điều kiện kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, sự cạnh tranh các nước lớn diễn ra gay gắt; tình hình kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế yếu kém, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Chính phủ đã kiên định với mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước đã làm tình hình phát triển kinh tế của nước ta năm 2018 có chuyển biến tích cực.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Quốc hội

“Con số 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao là rất ấn tượng và đây là năm đầu tiên trong nhiều năm đạt được kết quả này. Bình quân 3 năm (2016-2018) tăng so với với kế hoạch giao 5 năm, như chỉ tiêu tăng trưởng GDP, chỉ tiêu giá tiêu dùng CPI, ngân sách tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm, nợ công giảm mạnh; Đặc biệt dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục 60 tỷ USD. Nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như ngành nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu là rất phấn khởi”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu nói.

Tuy nhiên, vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng còn nhiều mặt hạn chế, tồn tại, như ở các vấn đề sau:

Thứ nhất, vấn đề đầu tư công chưa được quản lý hiệu quả. Thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong nhiều công trình như đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) đã nêu là rất đáng lo ngại. Đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp căn cơ hiệu quả hơn trong việc phê duyệt dự án, quản lý khi có đầu tư công, tăng cường cơ chế giám sát, trong đó nên phát huy vai trò giám sát của MTTQ, nhân dân trong các công trình xây dựng trọng điểm, có vốn đầu tư cao.

Thứ hai, trong lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu nền nông nghiệp đã bắt đầu đem lại kết quả tích cực, tuy nhiên tình trạng được mùa mất giá vẫn tiếp tục tái diễn. Việc “giải cứu nông sản”, đổ bỏ thanh long, chuối, khoai tây… vừa qua cho thấy cơ chế liên kết 5 nhà vẫn chưa hiệu quả. Việc phát triển HTX, đầu tư công nghiệp chế biến sau thu hoạch, công tác quy hoạch trong nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả hơn.

Thứ ba, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai còn cao.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 26/10.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đưa câu chuyện dẫn chứng trong chính công tác Chữ thập đỏ của mình, khi thường xuyên phải đi cứu trợ, hỗ trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, chứng kiến điều kiện khó khăn của người dân miền núi nên Bà hết sức trăn trở.

Từ đó, Đại biểu Đoàn Khánh Hòa cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội, nguồn đóng góp của các doanh nghiệp cần hiệu quả và triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và giải quyết căn bản việc thiếu việc làm, đói nghèo, bệnh tật và phòng chống thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cần tập trung đầu mối và giải quyết để nguồn đầu tư được sử dụng đúng và phát huy hiệu quả.

Tránh trường hợp chia nhỏ dự án, mức đầu tư thấp, không đảm bảo chất lượng nên không sử dụng được như các chương trình nước sạch đầu tư ở một số vùng định cư, tái định cư của đồng bào trong thời gian qua.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Chính phủ nên rà soát lại các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số, miền núi để khắc phục tính ngắn hạn, thiếu chiến lược, thiếu khả thi, không tạo ra động lực phát triển, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững như báo cáo Chính phủ đã nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đặt vấn đề, theo Nghị quyết 18, vấn đề kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy là cần thiết, tuy nhiên việc sắp xếp các tổ chức xã hội, quần chúng có tính đặc thù cần cân nhắc đến tính phù hợp với các quy định của Đảng, Chính phủ, Luật hoạt động và tính quốc tế mà tổ chức đó là thành viên. Việc các tỉnh, thành có phương án sắp xếp khác nhau sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống.

“Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu và hướng dẫn mô hình sắp xếp, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong cả nước”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu ý kiến.

Chiều 25/10, Quốc hội tiến hành công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Phát biểu tại hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bảy tỏ: “Một số bộ ngành phiếu tín nhiệm vẫn chưa được cao, theo tôi điều đó thể hiện sự đánh giá mà các thành viên thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, đồng thời cũng nên nhận định lại về những kết quả công việc của mình để có thể hoàn thiện hơn và làm tốt hơn trong thời gian tới”.

Minh Giang

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/thoi-su/can-co-chinh-sach-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung-15295