Cần có chính sách thỏa đáng với giáo viên mầm non

Trước nhiều khó khăn, vất vả vốn là đặc thù riêng của giáo dục mầm non, giáo viên mầm non (GVMN) muốn trụ được với nghề, điều quan trọng nhất là tình yêu nghề.

Tuy nhiên, để tình yêu đó luôn được hâm nóng, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực như: Trực trưa, bồi dưỡng làm thêm giờ; hỗ trợ nhà công vụ, phương tiện đi lại và các chính sách thu hút khác… dành cho GVMN.

Không yêu, khó theo được nghề

Từng trải qua những khúc quanh cotrong nghề, chị Phạm Mai (chủ một cơ sở mầm non ở đường Thành Thái - Cầu Giấy) cho biết, khi mới bước chân vào nghề, mức lương đầu tiên chị nhận được chỉ có 3.000.000 đồng. Sau khi trừ các khoản đóng cho con trai (theo học tại trường mẹ), chị chỉ còn trong tay còn khoảng 2.000.000 đồng.

Các địa phương cần thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ khác nhau để thu hút GVMN theo nghề. Ảnh Mai Phương

Các địa phương cần thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ khác nhau để thu hút GVMN theo nghề. Ảnh Mai Phương

“Khi đó tôi mừng rơi nước mắt, ngồi ước đến bao giờ lương mình được 4.000.000-5.000.000 đồng. Đây cũng là thời điểm kinh tế gia đình khó khăn, đến cuối tháng còn phải đi cắm xe, cắm đồ lấy tiền tiêu. Nhưng nhờ chăm chỉ làm và học hỏi, tôi đã được trường trả mức lương như thế. Lúc này tôi lại ao ước, nhắc nhở bản thân phải cố gắng lên 6.000.000-7.000.000 đồng. “Nếu không có tình yêu nghề, chắc chắn tôi đã không trụ lại được đến ngày hôm nay”- chị Mai khẳng định.

Đồng quan điểm trên, cô giáo Lưu Thị Hải (hiện là GVMN tại một trường quốc tế ở Cầu Giấy) chia sẻ: “Áp lực công việc ở đâu cũng giống nhau, nhiều giáo viên thay đổi nơi làm việc cũng chỉ vì đồng lương”. Để có mức lương 9.000.000 đồng sau gần chục năm công tác, thì tôi cũng phải theo đuổi nghề từ lúc mới được 3.000.000- 5.000.000 đồng”.

Theo lời kể của chị Hải, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (khoa tiếng Anh), chị đã đắn đo rất lâu mới dám chọn môi trường mầm non vì sợ khó khăn vất vả. “Có đồng nghiệp từng bị sốc khi phụ huynh đến gặp quản lý và dọa báo công an vì tưởng cô đánh học sinh, thực tế thì đứa trẻ bị bạn cào.

Dù cô giáo đã nói lời xin lỗi và giải thích nhưng phụ huynh không tin. Đến khi soi lại camera, phụ huynh mới chịu thôi nhưng không một lời xin lỗi giáo viên, hôm sau chuyển trường cho con luôn. Nhưng thời gian trôi đi, tôi cũng như những đồng nghiệp khác nhìn lại và thấy mình vẫn theo được nghề nhờ tình yêu với trẻ con”, cô Hải bộc bạch.

Đồng cảm cùng với GVMN về những khó khăn kể trên, bà Nguyễn Thị Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục- Đào tạo) cũng cho rằng: “Cùng là giáo viên nhưng GVMN vất vả hơn rất nhiều so với giáo viên của các cấp học khác. Vất vả vì trẻ còn non nớt về thể chất, tâm sinh lý, trẻ chưa thể tự bảo vệ cũng như tự phục vụ được bản thân...”

Các GVMN vừa làm công việc của người cô đồng thời làm cả công việc của người mẹ, phải chăm sóc cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân cho trẻ đến giáo dục, rèn luyện kỹ năng (kể cả những kỹ năng nhỏ nhất). Mục đích là tạo ra môi trường tốt nhất để trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, ngôn ngữ, nhận thức và thẩm mỹ.

Cũng theo bà Hiếu, thời gian lao động của GVMN không phải 8 giờ mà phải đến 10-12 giờ/ngày. Cụ thể, GVMN luôn phải đến trường từ sớm, đón nhận trẻ cho kịp giờ đi làm của phụ huynh và về nhà thường rất muộn, do chờ phụ huynh đón trẻ, chưa kể thời gian soạn bài, làm đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh lớp học…

Bên cạnh đó, GVMN cũng phải chịu áp lực từ cuộc sống gia đình, từ môi trường làm việc chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ… “GVMN không chỉ cần kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ (đặc biệt đối với trẻ nhà trẻ), mà còn cần có lòng yêu nghề, có tình yêu thương đối với trẻ. Nếu không sẽ rất khó để vượt qua được áp lực, căng thẳng trong công việc”, bà Hiếu bày tỏ sự thông cảm với GVMN.

Trước câu chuyện giáo viên đã đi dạy thì bỏ nghề, hay đầu năm học số lượng học viên, sinh viên nhập học ngành giáo dục mầm non tại các hệ đào tạo (trung cấp, cao đẳng, đại học) ở mức cao nhưng đầu ra rơi rụng rất nhiều; có địa phương số lượng sinh viên chuyên ngành mầm non khi tốt nghiệp chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 so với đầu vào là vài nghìn người, bà Nguyễn Thị Hiếu cho rằng: “Giáo sinh khi lựa chọn vào học sư phạm mầm non chưa hẳn đã yêu nghề, chưa tìm hiểu kỹ đặc trưng, yêu cầu của nghề nghiệp. Do đó, khi đi thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non thấy áp lực vất vả, mức lương thấp dẫn đến tâm lý chán nản không muốn tiếp tục theo đuổi nghề đã học”.

Cần có chính sách thu hút

Hiện tại, khi đứng ra làm quản lý một cơ sở giáo dục mầm non do mình xây dựng, chị Phạm Mai vẫn tâm niệm rằng, người quản lý nếu không muốn ngày hôm nay thay giáo viên, ngày mai lại thay người mới thì cần có chế độ đãi ngộ tốt mới giữ chân được GVMN có tâm, muốn gắn bó lâu dài với trẻ nhỏ.

Còn việc bỏ nghề vì lương quá thấp phải tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình mỗi người.“Tuy nhiên, với các bạn trẻ mới đi làm đừng đỏi mức lương quá cao, hãy khẳng định bản thân mình trước đã. Ngay cả những ngôi trường quốc tế, giáo viên có mức thu nhập cao hơn mặt bằng chung thì áp lực gặp phải cũng sẽ nhiều hơn, nhất là về kỹ năng mềm, chương trình học theo chuẩn quốc tế”, chị Mai thẳng thắn nhắn nhủ tới những đồng nghiệp trẻ.

Để giúp GVMN từng bước có thể tháo gỡ những khó khăn, áp lực trong quá trình làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Thị Hiếu thông tin, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với GVMN.

Cụ thể như: Điều kiện cơ sở trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư, trường lớp khang trang; chế độ giáo viên được quan tâm, nhất là giáo viên vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, đời sống giáo viên được nâng lên. Tuy nhiên hiện nay giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là áp lực công việc và đời sống của đội ngũ nhà giáo.

Theo đó, thời gian tới Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương bổ sung số giáo viên/lớp đủ theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Nội vụ nhằm giảm khối lượng và áp lực công việc cho GVMN. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Bà Hiếu cũng cho rằng, các địa phương cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hưởng theo quy định hiện hành.Làm tốt công tác tham mưu, ban hành chính sách địa phương, như hỗ trợ trực trưa, hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo, làm thêm giờ; hỗ trợ nhà công vụ, hỗ trợ phương tiện đi lại và các chính sách thu hút khác… cho GVMN.

Mai Phương

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-co-chinh-sach-thoa-dang-voi-giao-vien-mam-non-60214.html