Cần có chương trình phù hợp

Qua phân tích của cơ quan chuyên môn cho thấy: 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến trẻ em là do trực tiếp các em gây ra khi tham gia giao thông. Nguyên nhân chủ yếu do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ năng tham gia giao thông một cách an toàn.

Hiệu quả giao lưu kỹ năng kiến thức ATGT

Theo ông Uông Ngọc Dũng, Phó Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG), công tác giáo dục ATGT cho con trẻ, phải thực sự chăm lo về mọi mặt, trong đó nhất là lối sống, văn hóa giao thông khi đi lại, những chấp hành quy định Luật Giao thông, ATGT ngay từ khi các em còn nhỏ. Công tác giáo dục này, không chỉ hình thức, mà thực chất, thường xuyên, cụ thể, hình thức sinh động. Ví như tổ chức giao lưu kỹ năng kiến thức ATGT cho học sinh tiểu học cấp quốc gia được Ủy ban ATGTQG, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Công ty Toyota Việt Nam cùng phối hợp thực hiện qua 14 năm liên tục, được đánh giá là cách giáo dục kiến thức ATGT rất mở và hữu ích.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, tổ chức giao lưu kỹ năng ATGT là một hoạt động nhiều ý nghĩa giáo dục. Đây là hoạt động tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, thú vị, mang lại nhiều bài học quý báu, giúp các em học sinh tiểu học - bậc học nền tảng cho các cấp học sau này, được tìm tòi, hiểu sâu hơn về Luật ATGT. Đây cũng là cơ hội để các em được giao lưu, chia sẻ và học hỏi, tích lũy thêm hiểu biết và kỹ năng sống, biết tự bảo vệ mình và cộng đồng khi tham gia giao thông…

Từ ý nghĩa lớn đem lại, các chuyên gia đề nghị, việc giáo dục giao lưu kỹ năng tham gia giao thông, cần quan tâm hơn cả lượng và diện, cả bề rộng và chiều sâu. Thứ nhất, cần quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng những vấn đề liên quan đến ATGT cho các thày cô giáo và các cơ quan quản lý giáo dục, để các thầy cô giáo lấy đó làm công cụ giảng dạy cho các em. Thứ hai, đối với các em, thông qua những cuộc giao lưu, giúp các em có cách nhận thức tốt hơn về Luật Giao thông, việc chấp hành ATGT. Sự nhận thức không chỉ về lý thuyết, mà phải đặt ra nhiều câu hỏi xử lý tình huống ATGT, giao thông không an toàn, để các em chủ động đưa ra cách giải quyết, xử lý, giúp các em chủ động đưa ra những ý kiến, quan điểm của mình.

Cần có chương trình cụ thể

Ông Uông Ngọc Dũng cho rằng, trẻ em ở vùng miền nào cũng cần được giáo dục ATGT, Luật Giao thông, để trang bị cho các em có ý thức chấp hành pháp luật nói chung, cũng như pháp luật giao thông và kiến thức ATGT.

Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng dân tộc, càng phải quan tâm hơn, cụ thể, thiết thực hơn... Vì thế, Ủy ban ATGTQG đề nghị, Bộ Giáo dục - Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, Công ty Toyota Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn, cụ thể hơn về tiếp cận thông tin, hỗ trợ công cụ giảng dạy và cần tổ chức nhiều hơn những cuộc giao lưu tại vùng sâu, vùng dân tộc…

Theo cô Thân Thị Kim Tuyến - Chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Lắk), chương trình giáo dục về ATGT là rất cần thiết đối với mọi người và cả trẻ em. Nhưng hiện tại ở nước ta vẫn chỉ là chương trình tích hợp, chưa được bố trí thành tiết dạy riêng. Vì chưa có khung chương trình cụ thể để giảng dạy, nên các trường lâu nay chỉ đang lồng ghép, tích hợp có nơi 1 tuần dạy 1 tiết, có trường dồn vào dạy trong 1 - 2 tháng…

Vậy vấn đề đặt ra lúc này, trước hết phải có chương trình cụ thể, ví như quy định vào tiết cụ thể nào, tần suất 1 tuần 1 tiết, hay 1 tháng mấy tiết dạy... Tiếp đến, về trang thiết bị dạy ATGT, hiện mỗi nơi, mỗi trường tự cập nhật, thiết kế riêng trong việc dạy học sinh, chưa có trong khung thiết bị về ATGT. Do đó, ngoài có chương trình khung bài giảng ATGT, thì cũng cần hỗ trợ trang bị công cụ giảng dạy ATGT và Luật Giao thông…

Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục - Đào tạo): “Đề nghị Ủy ban ATGTQG và Công ty Toyota Việt Nam đồng hành cùng với Vụ Giáo dục tiểu học, để đưa chương trình, nội dung giáo dục kỹ năng ATGT cho học sinh tiểu học trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng đến khâu tổ chức tại địa phương, biên soạn lại tài liệu, tích hợp nội dung một cách chính thức trong chương trình giáo dục tiểu học”.

Xuân Phú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-chuong-trinh-phu-hop-119339.html