Cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, sáng 17-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, sáng 17-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Phát biểu ý kiến làm rõ chính sách thu hút nhân tài, hầu hết các ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong luật để thống nhất cách hiểu. Đồng thời bổ sung quy định để điều chỉnh các trường hợp sau khi thu hút nhưng người này không thể hiện được tài năng trong công việc được giao.

Tham gia thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đánh giá, việc thực hiện chính sách thu hút đãi ngộ đối với viên chức vẫn còn gặp một số khó khăn về cơ chế và tiền lương. Việc đãi ngộ nhân tài mang tính bình quân, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho sự sáng tạo, chính sách đãi ngộ viên chức chưa thật sự thỏa đáng, còn có sự cào bằng đối với mọi thành phần, không phân biệt được người tài hay không phải người tài. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, chính sách thu hút tài năng đã có, tuy nhiên chính sách đãi ngộ còn có những bất cập, dẫn tới chảy máu chất xám, không thu hút được tài năng. Khi thu hút được rồi thì chính sách đãi ngộ chưa đủ để người tài thật sự phát huy năng lực. Đồng tình với các ý kiến của hầu hết các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho rằng đã có cơ chế tuyển dụng người tài thì cũng cần có chính sách tuyển dụng người chưa tài thông qua chế độ cử tuyển.

Thảo luận về việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, các ý kiến tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo luật. Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật, đề nghị tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ủy ban TVQH cũng đã dành thời gian cho ý kiến về các nội dung: ngạch công chức, phân loại cán bộ, công chức, thi tuyển xét tuyển, phân cấp trong tuyển dụng gắn với trách nhiệm của đơn vị được phân cấp, sát hạch đầu vào; hình thức kỷ luật cán bộ công chức, viên chức; phân công công việc và bổ nhiệm trở lại đối với đối tượng sau thời gian kỷ luật...

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện cho công dân xuất, nhập cảnh, giảm thời gian cấp hộ chiếu cũng như giúp các cơ quan chuyên môn quản lý tốt hơn nữa công tác này. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định rõ tính định hướng quản lý, định hướng khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân. Đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, dự thảo xác định Bộ Công an là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân là chưa đầy đủ. Do vậy, cần bổ sung trách nhiệm đối với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân cũng như trách nhiệm soạn thảo các văn bản về xuất cảnh, nhập cảnh, trong thanh tra, kiểm tra các vấn đề liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh.

Ý kiến này được hầu hết các đại biểu đồng tình. Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị bổ sung vào Báo cáo tổng kết những thông tin mới về tình hình, kết quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng như đánh giá tác động của các chính sách mới, nội dung mới trong tình hình xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thời gian gần đây. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nhấn mạnh, cần nêu rõ trong báo cáo về tình hình ngăn chặn tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam thông qua con đường nhập cảnh và ngăn chặn tội phạm trong nước ra nước ngoài thông qua con đường xuất cảnh, đặc biệt là nhóm tội phạm tham nhũng. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo cần có những quy định rõ ràng, công khai minh bạch các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, nhằm chống tiêu cực trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/39888402-can-co-co-che-chinh-sach-dai-ngo-thu-hut-nhan-tai.html